Điểm tin y tế tuần 05 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế yêu cầu phòng chống dịch bệnh dịp Tết

Theo báo Dân trí, Bộ Y tế cho biết sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị quan tâm để phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả không để bùng phát dịch bệnh tại địa phương.Đồng thời tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

2. Sắp đưa vaccine sởi - rubella "made in Vietnam" vào tiêm chủng mở rộng

Theo báo NDĐT , Sau gần năm năm triển khai dự án sản xuất vaccine phối hợp sởi - rubella, Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phối hợp này sớm hơn so với dự kiến một năm và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2018

Đây là thành tựu trong việc tự chủ sản xuất vaccine của Việt Nam nhờ sự chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine sởi - rubella của Công ty Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine (Nhật Bản) cho Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac).

Năm 2014, với sự hỗ trợ của GAVI, Bộ Y tế Việt Nam đã mở một chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi và rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuối. Từ năm 2015, Việt Nam đã đưa vaccine này vào tiêm chủng thường xuyên nhằm khống chế và tiến tới loại trừ hai bệnh nguy hiểm này.

Trước nhu cầu rất lớn của vaccine sởi - rubella, với tinh thần tự túc nguồn vaccine bằng sản xuất trong nước, Bộ Y tế đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản giúp đỡ thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi - rubella”, và giao cho Polyvac là đơn vị thực hiện.Dự án được thực hiện trong thời gian từ tháng 5-2013 đến tháng 3-2018. Mục tiêu của dự án là Polyvac tự sản xuất được vaccine phối hợp sởi - rubella đạt tiêu chuẩn “thực hành sản xuất tốt” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP) một cách ổn định và hiệu quả.

Từ năm 2018, vaccine này sẽ được sử dụng trong chương trình TCMR quốc gia, giúp cho ngành y tế Việt Nam chủ động nguồn cung cấp vaccine, đặc biệt giúp Việt Nam triển khai chương trình loại trừ bệnh sởi - rubella.

3. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Việt Nam có tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết thấp nhất khu vực

Theo Suckhoedoisong.vn, Năm 2017 nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận số mắc/100.000 dân có xu hướng tăng như: Campuchia, Lào, Philippines, Malaysia, Việt Nam. Đây là thông tin được Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 4/1.

Năm 2017, dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát khi chưa vào mùa cao điểm. Cả nước ghi nhận 183.287 trường hợp mắc (154.552 nhập viện), 30 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (124.443/39) số mắc tăng 22,7%, số tử vong giảm 9 trường hợp. Mười tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước là Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp.

Nhiều bệnh viện đã có nhiều giải pháp để cải thiện công tác điều trị sốt xuất huyết như thành lập khu điều trị ban ngày, thiết lập đường dây nóng; thành lập nhóm chuyên môn điều trị sốt xuất huyết…góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. Dịch sởi bùng phát tại nhiều quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng thấp

Theo báo Dân trí, ngày 26/1, Cơ quan đầu mối quốc gia Điều lệ Y tế quốc tế ( Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) thông tin dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp trên thế giới. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có khoảng 89.780 trường hợp tử vong do sởi, hầu hết xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2018, dịch sởi đã bùng phát tại một số địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại châu Âu, dịch sởi đang bùng phát tại Ucraina, trong 2 tuần đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 1.285 trường hợp mắc sởi (67% là trẻ em) và đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong trong đó có 3 trường hợp là trẻ em. Ucraina là nước có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp nhất trong các nước khu vực châu Âu.

Tại châu Á, trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, tại Thành phố Davao, Philippines đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc sởi. Trong vòng hơn 2 tháng, tại Thành phố Davao đã ghi nhận 222 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. Trong khi đó, tại Papua, một khu vực hẻo lánh của Indonesia cũng đã ghi nhận ổ dịch sởi kéo dài từ tháng 9/2017 tới nay với ít nhất 59 trường hợp đã tử vong.

Các quốc gia trên ghi nhận các ổ dịch sởi đang triển khai các hoạt động tích cực để khống chế sớm các ổ dịch, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là tổ chức các chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi và phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi để cách ly, điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại cộng đồng và tránh tử vong.

Trước đó, đại diện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho biết đã có đề xuất đẩy sớm lịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ ở vùng có nguy cơ cao. Theo đó, thay vì 9 tháng mới được tiêm vắc xin này, trẻ từ 6 – 8 tháng tuổi đã đủ tiêu chuẩn tiêm chủng để ngăn ngừa mắc sởi khi chưa đến tuổi tiêm phòng.

2. Các chiến dịch tiêm vắcxin sốt vàng lịch sử được đưa ra ở Braxin và Nigeria

26 Tháng 1 năm 2018 - Tuần này các chính phủ Braxin và Nigeria đã khởi động các chiến dịch tiêm chủng đại chúng để bảo vệ người dân chống lại bệnh sốt vàng da. Với sự hỗ trợ của WHO và các đối tác, ước tính khoảng 23,8 triệu người ở Braxin, và 25 triệu người ở Nigeria, sẽ được tiêm phòng

3. Phiên họp lần thứ 142 của Ban chấp hành

Từ ngày 22-27 tháng 1 năm 2018, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ban điều hành bao gồm 34 thành viên có trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực y tế. Các thành viên được bầu vào nhiệm kỳ ba năm. Các chức năng chính của Hội đồng Quản trị là đưa ra các quyết định và chính sách của Hội đồng Y tế Thế giới để tư vấn cho họ và nói chung là nhằm tạo điều kiện cho công việc của mình.

Ban Biên tập website Viện