Điểm tin y tế tuần 02 - 2019

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Những dấu ấn năm 2018 của Ngành Y tế Việt Nam

Ngày 26/12/2018, Bộ Y tế công bố 9 sự kiện tiêu biểu của Ngành Y tế Việt Nam trong năm 2018, bao gồm:

1. Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong sản xuất vaccine cúm mùa "3 trong 1"; vaccine sởi do Việt Nam sản xuất được Chủ tịch JICA trao giải thưởng quốc tế.

2. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam là quốc gia đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết.

3. Việt Nam được nhận giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.

4. Lần đầu tiên, các chuyên gia Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công và tiến hành lấy đồng thời 6 tạng từ cùng một người cho chết não để ghép cho 5 bệnh nhân.

5. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,5%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.

6. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc.

7. Năm đầu tiên, xây dựng mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, theo hướng hội nhập quốc tế để tiến tới nhân rộng toàn quốc.

8. Cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không thông qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu.

9. Năm đầu tiên Việt Nam chuyển đổi vaccine Quinvaxem sang sử dụng vaccine ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

2. Nhiều bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp mùa lễ tết 2019

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn diễn biến phức tạp, có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương trong những tháng cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Theo đó, bệnh cúm A/H5N6 trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương. Thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập vào nước ta.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các đơn vị y tế địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2019. Trong đó, các đơn vị y tế dự phòng tăng cường hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh xâm nhập.

Người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh dễ lây truyền trong tháng này, gồm: các bệnh lây qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm; các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa; thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và tiêm vắc xin phòng bệnh.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dịch Ebola bùng phát tại CHDC Congo khiến hàng trăm người tử vong

Theo báo cáo ngày 2/1/2019 của Bộ Y tế nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC): số trường hợp mắc virus Ebola được xác nhận tại đã tăng lên tới 560 người, trong khi có tới 368 người được báo cáo là đã tử vong. Trước đây, số người chết vì virus ở DRC dừng lại ở mức 360, trong khi số ca mắc Ebola được xác nhận lên tới 545.

Virus Ebola được truyền sang người từ động vật hoang dã và được Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có tỷ lệ tử vong đến 50%. Ebola được đặt theo tên sông Ebola của DRC, nơi virus được phát hiện bởi nhà vi trùng học người Bỉ Peter Piot và nhóm của ông vào năm 1976.

2. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng phân tích sinh học chính xác 100%

Viện Y học Dự phòng Wolfson thuộc Đại học Queen Mary (Anh) đã tiến hành nghiên cứu phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng phân tích sinh học theo phương pháp dựa trên ngoại di truyền học (hay còn gọi là di truyền học biểu sinh) thay vì phương pháp truyền thống. Tương tự như xét nghiệm PAP lấy mẫu tế bào cổ tử cung chẩn đoán ung thư cổ tử cung, nhưng thay vì sử dụng kính hiển vi để kiểm tra tế bào, các nhà khoa học sử dụng xét nghiệm sinh học phân tử để tìm kiếm virus HPV – nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, sau đó phân tích sự thay đổi biểu hiện gene bằng xét nghiệm methyl hóa ở cả virus và bệnh nhân. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện xét nghiệm methyl hóa ngẫu nhiên với 15.744 phụ nữ trong độ tuổi từ 25-65 ở Canada. Từ đó, họ đã xác định được 8 người có biểu hiện của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 2, có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ phát hiện trong nghiên cứu đạt hiệu quả 100%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 50 % của phương pháp xét nghiệm HPV và 25% của xét nghiệm PAP.

Theo nhóm nghiên cứu, xét nghiệm biểu sinh phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn rất sớm, nhiều năm trước khi ung thư biểu hiện thành các triệu chứng. Đây là việc mà các phương pháp xét nghiệm sàng lọc khác không thể thực hiện.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,