ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 48-49 (Từ 28/11/2022 - 11/12/2022)

TIN NỔI BẬT TRONG NƯỚC

1. Tăng cường phòng, chống các bệnh mới nổi

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, trong nước, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại một số địa phương, xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ… Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt các quan điểm:

1/. Tập trung kiểm soát dịch bệnh, không để dịch chồng dịch;

2/. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh;

3/. Nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch ở các cấp; tăng cường hệ thống giám sát, nâng cao năng lực điều trị, nhất là thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine.

Đối với Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo yêu cầu: (1) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch; đánh giá miễn dịch cộng đồng trong tháng 01 năm 2023; (2) Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ...; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, nhất là các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia; chủ động điều phối không để thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng cục bộ ở một số địa phương như đã xảy ra thời gian qua; (4) Chú trọng phát triển công nghiệp dược trong nước; (5) Khẩn trương rà soát, đề xuất kế hoạch sử dụng số kinh phí chưa phân bổ từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

2. Trẻ mắc viêm màng não tăng tại TP. HCM

Hiện nay, số trẻ mắc viêm màng não tại các bệnh viện nhi có xu hướng tăng, bác sĩ cảnh báo trường hợp nhập viện trễ có thể biến chứng nặng, nguy cơ tử vong. Tại bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày đơn vị điều trị nội trú khoảng 20-30 trẻ viêm màng não, trong khi cách đây vài tuần, mỗi ngày chỉ khoảng 10-15 trường hợp nằm viện. Tương tự, số trẻ viêm màng não nằm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 gần đây cũng tăng, dao động 20-30 trường hợp, nhiều trẻ phải thở oxy.

Bệnh viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân đa phần do vi khuẩn như E.coli, HiB, não mô cầu, phế cầu, lao... Một số ít có thể do virus, ký sinh trùng, nấm. Bệnh xuất hiện ở tất cả lứa tuổi và đều có nguy cơ bệnh nặng. Hiện, vaccine 5 hay 6 trong 1 có thể ngừa được HiB; vaccine PCV10 hoặc PCV13 ngừa được phế cầu; vaccine não mô cầu. Đây là các tác nhân gây viêm màng não hay gặp có vaccine để ngừa.

Triệu chứng của bệnh gồm: sốt, quấy khóc nhiều (ở trẻ nhũ nhi), đau đầu (ở trẻ lớn đã biết kêu đau), nôn ói (đặc biệt là tính chất ói vọt), thóp phồng (ở trẻ nhũ nhi còn thóp) hoặc cổ gượng (ở trẻ lớn). Bên cạnh đó, trẻ có thể co giật, yếu liệt khu trú, rối loạn tri giác (kích thích, li bì, hôn mê).

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 6h ngày 12/12 (theo giờ VN), trên thế giới có 653.773.527 ca nhiễm, trong đó 629.216.678 ca khỏi bệnh; 6.658.528 ca tử vong và 17.898.321 ca đang điều trị (37.510 ca diễn biến nặng). Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 101.324.888 ca mắc và hơn 1.109.851 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 44.676.074 ca và hơn 530.658 ca tử vong. Thứ ba là Pháp, với số ca mắc được ghi nhận là 38.504.843 và hơn 159.611 ca tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.520.639 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.425 ca nhiễm). Tổng số liều vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta tổng cộng là 264.921.803 liều các loại. Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.609.621 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 47 ca (ngày 11/12 có số bệnh nhân nặng thấp nhất trong tuần qua), trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 44 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca.

Ban Biên tập website Viện