ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 36

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue mới

Ngày 22/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3705/QĐ-BYT về việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, bãi bỏ Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue. (Xem văn bản đính kèm).

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14

Từ ngày 29/8 - 30/8/2019, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 14 và các Hội nghị liên quan đã được tổ chức tại Siem Reap, Campuchia.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã có bài phát biểu về chủ đề của Hội nghị. Bộ trưởng nêu rõ Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân, trong đó một số giải pháp chủ yếu như:

(1) Tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng tới tăng cường sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng ngừa bệnh tật là trọng tâm của đổi mới. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến y tế cơ sở được mở rộng và cung ứng dựa trên nguyên lý y học gia đình. Nguồn nhân lực y tế cơ sở được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.

(2) Để đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản mà không phải chịu gánh nặng về tài chính, ngân sách nhà nước bao phủ 100% dân số thuộc nhóm đối tượng đích cho các dịch vụ dự phòng, trong khi bảo hiểm y tế xã hội bao phủ gần 90% dân số cho các dịch vụ khám chữa bệnh.

(3) Đổi mới cơ chế tài chính y tế. Đây được coi là một chính sách quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chi tiêu công cho y tế đã tăng đáng kể từ năm 2000.

(4) Nhận thức được việc tăng thêm ngân sách cho y tế là rất khó khăn, do vậy, ưu tiên của Việt Nam là tận dụng tối đa nguồn lực tài chính sẵn có và tăng hiệu suất sử dụng nguồn tài chính.

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 14 cũng đã thông qua nội dung dự thảo Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về An ninh và tự lực vắc xin. Văn kiện này sẽ được đệ trình lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2019 tới.

2. Tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng mùa tựu trường

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, tổ chức phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Các đơn vị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ. (Xem văn bản đính kèm)

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bệnh sởi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29-8 cảnh báo, mọi khu vực trên thế giới, ngoại trừ châu Mỹ, đang trải qua tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh sởi đáng kể. Đây là căn bệnh có thể khiến trẻ nhỏ tử vong hoặc tàn tật suốt đời nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc xin.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO Kate O'Brien nhấn mạnh, hiện có một xu hướng đáng lo ngại là tất cả các khu vực đang trải qua sự gia tăng bệnh sởi ngoại trừ khu vực châu Mỹ, nơi có xu hướng giảm ít. Theo WHO, số ca nhiễm sởi ghi nhận được từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm nay, trên toàn cầu ghi nhận gần 365 nghìn trường hợp nhiễm sởi. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2006 dù đây mới chỉ đại diện cho một phần trong số 6,7 triệu trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi. Các đợt dịch bùng phát lớn nhất đang hoành hành ở Cộng hòa Dân chủ Congo (155.460 ca nhiễm), Madagascar (127.454 ca nhiễm) và Ukraine (54.246 ca nhiễm). Châu Âu cũng không nằm ngoài tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh sởi, với bốn nước không còn là quốc gia “không có sởi” vào năm 2018 bao gồm Albania, Cộng hòa Séc, Hy Lạp và Anh.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,