TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Sáng 21/8, tại Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu ra những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế như:
- Hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…).
- Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, tuyến Trung ương vẫn là vấn đề nhức nhối. Người dân vẫn chưa thật sự hài lòng với chất lượng và sự phục vụ của ngành y, nhất là y tế công lập.
- Công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tính chủ động chưa cao, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn.
- Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế.
Bộ Y tế nhận định công tác y tế thời gian tới cần tập trung giải quyết cả những tồn tại trước mắt như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế ….; song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở… ngành y tế các cấp từ Trung ương đến địa phương sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với tinh thần trách nhiệm, vì sức khỏe nhân dân.
Tiếp đó, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong những năm qua. Hiện tại, ngành Y đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây cũng là thời cơ lớn để đổi mới, tạo ra đột phá bởi những bất cập, vướng mắc cản trở hệ thống y tế phát triển đã được bộc lộ rõ và được nhận thức đầy đủ hơn. Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đặc biệt là các Nghị quyết 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
2. Bệnh nhân Covid-19 nặng tăng trở lại, Việt Nam chuẩn bị ứng phó
Covid-19 đang tái bùng phát khắp thế giới với các biến chủng mới. Tại Việt Nam, nửa đầu tháng 8 phát hiện các biến chủng thế hệ thứ hai của Omicron (BA.2.74) được đánh giá là có khả năng lây lan cao hơn các chủng trước và có thể lẩn tránh miễn dịch, do đó có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại. Nửa đầu tháng 8 trung bình ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, song từ 16/8 đến nay xấp xỉ 3.000 ca/ngày.
Với sự xuất hiện liên tục nhiều biến chủng mới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương bám sát tình hình dịch bệnh, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho người cao tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực. Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong cần giải trình tự gene virus để đánh giá, theo dõi biến chủng trong tình hình mới. Đồng thời, BYT đề nghị các địa phương đánh giá lại nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho 4 tại chỗ.
3. Giám sát y tế người nhập cảnh từ nước có đậu mùa khỉ
Từ tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ tăng liên tục cả về số ca lẫn số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Đến ngày 30/7, WHO ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong (gồm 2 trường hợp có kèm bệnh nền tử vong tại Brazil và Tây Ban Nha).
Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp y tế toàn cầu. Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng cần thiết lập văn phòng khẩn cấp đáp ứng nhanh bệnh đậu mùa khỉ và kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch cửa khẩu. Theo đó, hành khách từ quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện ca nghi nhiễm và cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán.
Từ kinh nghiệm ứng phó Covid-19, ngoài việc kiểm tra y tế đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Ấn Độ bùng phát dịch cúm bí ẩn
Ấn Độ phát hiện nhiều trẻ em dưới 5 tuổi mắc một loại bệnh cúm lạ, có tên gọi “cúm cà chua". Theo báo cáo trên Tạp chí Y khoa Lancet ngày 17/8, bệnh "Cúm cà chua" được xác định lần đầu ngày 6/5, đến nay đã lây nhiễm cho 82 trẻ em, tất cả đều dưới 5 tuổi.
Các triệu chứng bao gồm nổi mụn nước đỏ, gây sốt và đau nhức khớp. Ngoài ra trẻ có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, mất nước. Một số trường hợp, dù hiếm gặp, có sự thay đổi màu sắc ở tay chân.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine ngăn ngừa cúm cà chua. Tương tự như các loại cúm khác, cúm cà chua rất dễ lây lan và bắt buộc phải tuân theo sự cách ly cẩn thận đối với những trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ. Những người nhiễm virus gây bệnh "cúm cà chua" cần được cách ly từ 5-7 ngày. Tránh để trẻ bị nhiễm bệnh dùng chung đồ chơi, quần áo, thức ăn hoặc các vật dụng khác với trẻ em không bị nhiễm bệnh.
2. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến 6h ngày 22/8 (theo giờ VN), trên thế giới có 600,9 triệu ca mắc Covid-19, trên 6,4 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 95,3 triệu ca mắc và hơn 1,06 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 44,3 triệu ca và hơn 527 ca tử vong. Thứ ba là Pháp, với số ca mắc được ghi nhận là 34,3 triệu và hơn 153 nghìn ca tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 11.383.819 ca mắc Covid-19 (đứng thứ 13/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân), trong đó 43.105 ca tử vong.
Ban Biên tập website Viện