TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Nguy cơ dịch chồng dịch khi sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa đồng loạt bùng nổ
Khi toàn Châu Á đang chuẩn bị phương án đối phó trước sự trở lại của làn sóng dịch COVID-19 mới, tại Việt Nam nguy cơ dịch chồng dịch đang diễn ra. Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 103.000 ca sốt xuất huyết với 37 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 186,6%, tử vong tăng 28 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, TP. HCM ghi nhận hơn 26.000 người tới khám sốt xuất huyết, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hơn một nửa phải nhập viện điều trị. Số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình 5 năm trước. Tại nhiều tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, An Giang… cũng ghi nhận hàng nghìn ca mắc. Theo Viện Pasteur TP. HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh năm nay thuộc type huyết thanh D1 như năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây bắt đầu có sự gia tăng chủng D2. Theo quy luật, khi có xuất hiện trở lại của một type huyết thanh, số ca mắc mới sẽ có tăng cao, tương ứng số ca nặng, số tử vong tăng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 21.859 ca tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 110 trường hợp mắc bệnh viêm não virus (3 người tử vong); 8 ca mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 75 ca sốt phát ban nghi sởi. Ngoài ra, cúm A đang có sự gia tăng bất thường tại miền Bắc, cộng với dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh và COVID-19 tăng số ca mắc, lo ngại dịch chồng dịch trong thời gian tới.
Bộ Y tế khuyến cáo, cúm A là bệnh rất dễ lây lan, ai cũng có thể mắc, nhất là nơi tập trung đông người, vì vậy người dân nên tiêm vaccine để phòng bệnh. Còn sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh, nên mỗi gia đình phải tự phòng tránh bằng cách phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, đi ngủ mắc màn… để phòng tránh muỗi đốt lây bệnh.
2. Dấu hiệu cảnh báo hoại tử xương sau mắc Covid
Thời gian qua, một số bệnh viện tại TP HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy tiếp nhận nhiều bệnh nhân hoại tử xương sọ, xương vùng hàm mặt, đã có 02 trường hợp tử vong. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân gần đây, song điểm chung là bệnh nhân từng mắc COVID-19, không có tiền sử bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt. Từ tháng 5/2021 đến tháng 5 năm nay, y văn thế giới ghi nhận khoảng 80 bài báo cáo bệnh nhân bị hoại tử xương sọ, hàm mặt, chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu, Mỹ. Hầu hết bệnh nhân các nước có bệnh nền, đái tháo đường, đều từng mắc COVID-19 thời điểm biến chủng Delta bùng phát.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp là sưng viêm mi mắt; sưng vùng sọ trán; hoại tử xương hàm, răng, xương vòm miệng gây khó nhai; hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ. Bệnh có một số dấu hiệu giống viêm xoang nên dễ chẩn đoán nhầm.
3. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Ca COVID-19 nhiều nước tăng mạnh, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Kể từ đầu dịch đến nay (17/7/2022) Việt Nam có 10.760.595 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.571 ca nhiễm). Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là 9.814.276 ca.
Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.091 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, so với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 5 ASEAN).
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 238,7 triệu liều đã được tiêm trên cả nước. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 209,2 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 19,3 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 10,08 triệu.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến 6h ngày 17/7 (theo giờ VN), toàn thế giới có 567,3 triệu ca nhiễm, trong đó 538,4 triệu ca khỏi bệnh; hơn 6,38 triệu ca tử vong và 22,5 triệu ca đang điều trị (hơn 38 nghìn ca diễn biến nặng).
Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại ở một số nước. Số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tăng 42,7% trong vòng 14 ngày qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Malaysia lên 42.481 người và tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 là 35.848 ca. Ngày 16/7, Nhật Bản ghi nhận hơn 110.000 ca mắc mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, trong đó chủ yếu là do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Số ca mắc mới nói trên cao hơn con số kỷ lục trong làn sóng lây nhiễm thứ sáu, với 104.000 ca bệnh vào ngày 3/2.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 91,3 triệu ca mắc và hơn 1,04 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 43,7 triệu ca và 525 nghìn ca tử vong. Thứ ba là Brazil, với số ca mắc được ghi nhận là 33,3 triệu ca và số ca tử vong là 675 nghìn ca.
Châu Âu vẫn chiếm số ca mắc đứng đầu với 210,8 triệu ca; thứ hai là châu Á với trên 164,5 triệu ca; Bắc Mỹ ghi nhận trên 108,1 triệu ca ; Nam Mỹ là trên 61,2 triệu ca; tiếp đến là châu Phi trên 12,4 triệu ca và châu Đại Dương trên 10,6 triệu ca.
Ban Biên tập website Viện