ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 21

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh viện kín bệnh nhân

Theo thông tin từ các báo đài, những ngày vừa qua nắng nóng gay gắt trên 40Co đã khiến lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca đột quỵ, gia tăng nhiều so với những ngày thường, hầu hết các ca bệnh liên quan đến nắng nóng. Trong đó đáng chú ý có những bệnh nhân đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt được người dân đưa vào cấp cứu. Đây phần lớn là những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Ngoài ra có những bệnh nhân tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu do nắng nóng... cũng phải nhập viện cấp cứu. Nhiệt độ cao bất thường cũng khiến nhiều trẻ nhập viện vì sốt cao, viêm đường hô hấp... Tại Bệnh viện Bạch Mai, những đợt nắng nóng gay gắt, Khoa cấp cứu thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.

Bệnh nhân cấp cứu tại BV Thanh Nhàn ngày nắng nóng (theo Tiền phong online)

Nắng nóng gay gắt như hiện nay là thời điểm khiến người dân dễ đổ bệnh, và là nguyên nhân gây sốc nhiệt, nhất là người cao tuổi vì đối tượng này thường có nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt.

Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè cần chú ý:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng;

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol….

- Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

2. Viêm não Nhật Bản có nguy cơ gia tăng vào mùa hè

Trong thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp mắc viêm não Nhật Bản phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng. Các chuyên gia y tế cảnh báo viêm não Nhật Bản đang gia tăng trở lại, đe dọa sức khỏe những người chưa được chủng ngừa trong cộng đồng.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng não do vi rút gây ra với các triệu chứng thường gặp gồm nhức đầu, nôn ói, sốt, lú lẫn và co giật. Tình trạng này xảy ra khoảng 5 - 15 ngày sau khi nhiễm. Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 30%, tỷ lệ di chứng chiếm khoảng 50%. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bác sĩ chỉ tiến hành điều trị triệu chứng.

Nguồn chứa vi rút gây bệnh chủ yếu là ở lợn và chim hoang dã, truyền qua loài muỗi culex, nhóm đối tượng mắc bệnh thường tập trung ở vùng ngoại ô thành phố, nông thôn. Viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng mùa hè, thời điểm chim di trú và mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Người dân cần phòng bệnh chủ động bằng các biện pháp phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, ngủ mùng, không để bị muỗi đốt và đặc biệt tiêm ngừa vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản.

3. Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng

Tính đến ngày 19/5, dịch bệnh đã xảy ra tại 34 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT-Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang. Tổng số lợn bệnh và phải tiêu hủy là gần 1,5 triệu con. Đáng chú ý, có 28 xã dịch đã qua 30 ngày, thế nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh trở lại.

Bộ NN&PTNT cho biết, dù đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thế nhưng dịch bệnh vẫn đang lan nhanh và rất phức tạp. Nguyên nhân là do một số nơi, vì lợi ích kinh tế trước mắt, lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn được mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ. Ngoài ra, việc xử lý lợn chết cũng không đúng cách, thậm chí, nhiều địa phương vứt xác lợn bừa bãi là những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng.

Việt Nam được xác định phải chung sống lâu dài với dịch. Bởi dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện từ năm 1921, thế nhưng đến nay, trong số 59 quốc gia bị dịch trên toàn thế giới, kể cả các nước ở châu Âu, chưa nước nào được công nhận an toàn dịch.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Tổ chức Y tế thế giới đặt mục tiêu giảm tử vong và thương tật do rắn cắn

WHO vừa công bố thêm thông tin chi tiết về chiến lược phòng ngừa và kiểm soát rắn độc cắn, một căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên tác động đến 1,8-2,7 triệu người mỗi năm, cướp đi tính mạng của 81.000-138.000 người và gây ra 400.000 trường hợp thương tật vĩnh viễn.

Mục tiêu của chiến lược là giảm một nửa số ca tử vong và thương tật do rắn độc cắn trong 12 năm tới thông qua một chương trình nhắm vào các cộng đồng bị ảnh hưởng và hệ thống y tế của họ bằng cách đảm bảo tiếp cận điều trị hiệu quả, an toàn thông qua tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp.

Chiến lược được phát triển bởi 28 thành viên là các chuyên gia toàn cầu. Đưa ra tầm quan trọng của việc phòng ngừa, cải thiện giáo dục cộng đồng và giúp các đáp ứng ở tuyến đầu được hiệu quả.

Mục tiêu trọng tâm là đảm bảo tiếp cận điều trị an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng như thuốc kháng nọc độc và các chăm sóc y tế. Cải thiện và tăng cường sản xuất, cung cấp và phân phối các loại thuốc kháng nọc độc, các trang thiết bị y tế cần thiết để cứu sống nạn nhân bị rắn cắn sẽ được ưu tiên.

WHO khuyến khích nghiên cứu về các phương pháp điều trị mới và phát minh các thiết bị y tế giúp cải thiện kết quả điều trị và đẩy nhanh quá trình phục hồi cho nạn nhân.

2. Lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ

Chứng mất trí nhớ (dementia) là một căn bệnh đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng nhận thức vượt ngoài quá trình lão hóa thông thường. Nó ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, hiểu biết tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và phán đoán. Mất trí nhớ là kết quả của một loạt các bệnh và chấn thương tác động đến não, chẳng hạn bệnh Alzheimer và đột quỵ.

Bệnh mất trí nhớ là một vấn đề y tế công cộng đang gia tăng nhanh, tác động đến khoảng 50 triệu người trên toàn cầu. Mỗi năm có thêm gần 10 triệu ca mới. Mất trí nhớ là nguyên nhân chính tạo ra khuyết tật và sự lệ thuộc ở người già. Ngoài ra, bệnh này cũng tạo ra một gánh nặng kinh tế lớn cho xã hội.

Hướng dẫn mới của WHO khuyến nghị các biện pháp can thiệp cụ thể để giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ. Theo WHO, có thể giảm nguy cơ mất trí nhớ thông qua tập luyện thể thao thường xuyên, không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia có hại, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn lành mạnh và duy trì huyết áp, cholesterol, đường huyết ở mức lý tưởng.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,