ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 19-20

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022

Hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; tuy nhiên đã ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương các bệnh lưu hành khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà,... và có thể bùng phát dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có Công điện số 690/CĐ-BYT ngày 19/5/2022 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022. Theo đó:

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não, bạch hầu, ho gà,... và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống; tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.

Chi tiết Công điện số 690/CĐ-BYT ngày 19/5/2022.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ

Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 22/5, có 92 ca đậu mùa khỉ và 28 trường hợp nghi nhiễm tại 12 quốc gia. Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh, các ca nhiễm gần đây chủ yếu là nam giới trong cộng đồng LGBT.

Thời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ thường là 5 đến 21 ngày. Giai đoạn đầu tiên, triệu chứng đặc trưng của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức. Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).

Điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với các bệnh khác là nổi hạch. Những biểu hiện còn lại tương tự bệnh thủy đậu, sởi hoặc đậu mùa thông thường. Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh.

Tại Việt Nam, các đơn vị chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.

2. Sốt xuất huyết bùng phát ở phía Nam

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam ghi nhận số ca sốt xuất huyết hai tháng gần đây tăng so cùng kỳ những năm trước, xu hướng tiếp tục cao. Tại TP HCM, trong 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh (tăng 28% với cùng kỳ năm ngoái), tổng số trường hợp tử vong là 7 (tăng 5 ca so với cùng kỳ năm ngoài), tổng số ổ dịch tích lũy đến nay là 446. Trong tuần qua, gần 950 ca bệnh được phát hiện, tăng 20% so với trung bình tháng trước.

Ở Bình Dương, hơn 2.200 ca sốt xuất huyết kể từ đầu năm, trong đó 5 trường hợp tử vong. Tại Đồng Nai, số ca mắc trong tháng 4 là 524, tăng hơn 150 ca so với tháng trước. Các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cũng ghi nhận số ca tăng cao, chẳng hạn TP. Long Xuyên (An Giang) 4 tháng đầu năm gần 200 ca, tăng gần ba lần cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài các biện pháp thường quy đã được khuyến cáo, đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

3. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay (24/5/2022) Việt Nam 10.710.066 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.195 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), 10.702.309 ca, trong đó có 9.403.091 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.076 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Về tình hình xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.507.844 mẫu cho 85.814.565 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 219.119.853 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.242.952 liều. Trong đó, Mũi 1: 71.472.284 liều; Mũi 2: 68.705.438 liều; Mũi 3: 1.506.133 liều; Mũi bổ sung: 15.163.528 liều; Mũi nhắc lại lần 1: 41.328.874 liều; Mũi nhắc lại lần 2: 66.695 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.424.430 liều. Trong đó, Mũi 1: 8.926.224 liều; Mũi 2: 8.498.206 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.452.471 liều. Trong đó, Mũi 1: 3.423.350 liều; Mũi 2: 29.121 liều.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 12h ngày 24/5 (theo giờ VN), toàn thế giới có 528.392.241 ca nhiễm, trong đó 498.815.307 ca khỏi bệnh; 6.302.019 ca tử vong và 23.274.915 ca đang điều trị (37.999 ca diễn biến nặng).

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 85.113.962 triệu ca mắc và 1.029.121 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 43.140.068 triệu ca. Thứ ba là Brazil, với số ca mắc được ghi nhận là 30.803.995 và số ca tử vong là 665.727 nghìn ca.

Châu Âu vẫn chiếm số ca nhiễm đứng đầu với 195,5 triệu ca, tiếp đến là châu Á với trên 154,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 100,6 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 57,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 12,1 triệu ca và châu Đại Dương trên 8,4 triệu ca nhiễm.

Ban Biên tập website Viện