ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 12

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Nhiều học sinh của một trường mầm non ở Bắc Ninh nhiễm sán dây lợn

Theo các nguồn thông tin về tình trạng nhiễm sán dây lợn ở học sinh Trường mầm non Xã Thanh Khương, Tỉnh Bắc Ninh do ăn thịt lợn nghi bị bị nhiễm sán dây lợn (bệnh lợn gạo), 5 ngày qua đã có hơn 100 cháu được phát hiện có huyết thanh dương tính với ấu trùng sán dây lợn đến khám bệnh tại Viện Sốt rét - KST - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đối với bệnh sán dây lợn (bệnh lợn gạo hay heo gạo), tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng hay nang ấu trùng mà có thể có 2 thể bệnh gồm: Bệnh ấu trùng sán lợn là khi người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt..; Bệnh sán trưởng thành ở ruột: người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán, khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân. Để tránh mắc bệnh, hãy thực hiện:

- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái ... (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).

- Nếu nghi ngờ mắc bệnh phải đến các cơ sở y tế, các phòng khám chuyên khoa để điều trị.

- Tại TP. Hồ Chí Minh người dân có thể đến Phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng thuộc Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, địa chỉ 699 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Về tổ chức phòng chống bệnh tại cộng đồng cần có sự phối hợp liên ngành y tế, thú y, quản lý thực phẩm, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống, vệ sinh của các lò giết mổ lợn, sử dụng hố xí hợp vệ sinh và hướng dẫn người dân đi khám, xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế đúng chuyên môn.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Phát triển bộ chỉ số giám sát bệnh sán dây lợn

Sán dây lợn (Taenia solium) là bệnh nhiệt đới bị lãng quên, phần lớn bệnh tập trung ở Châu Phi, cận Sahara, Đông Nam Á và Mỹ Latin.

Các dữ liệu dịch tễ đáng tin cậy về bệnh sán dây lợn trên thế giới hiện đang rất khan hiếm. Do đó để tạo bằng chứng cho việc giám sát bệnh tốt hơn và cung cấp dữ liệu dễ dàng hơn, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa thêm dữ liệu toàn cầu về sán dây lợn vào hệ thống Theo dõi Y tế Toàn cầu (GHO). Đây là một bước quan trọng để cung cấp thông tin quan trọng về tình hình và xu hướng toàn cầu của bệnh sán dây lợn, nâng cao quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu đáng tin cậy có thể giúp thúc đẩy các chính sách kiểm soát có hiểu biết, chuyển thành chính sách quốc gia và hành động cấp cộng đồng tốt hơn.

Để phân loại từng quốc gia theo tình trạng lưu hành sán dây lợn, dữ liệu GHO hiện tại được lấy từ các ấn phẩm về sự hiện diện của bệnh lợn gạo. Các yếu tố khác cũng được xem xét, bao gồm phân bố lợn trong một quốc gia; loại hình chăn nuôi lợn; các thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE); sự mất cân bằng về các chỉ số phát triển con người; dữ liệu về vệ sinh môi trường; phân bố địa lý và tôn giáo.

Một trong những hạn chế là dữ liệu được trình bày ở cấp quốc gia chứ không phải cấp địa phương, nhưng thực tế việc lan truyền bệnh đa phần xảy ra ở các khu vực đặc thù.

2. Chính sách cứng rắn đối với chương trình tiêm chủng

Trước tình hình dịch sởi lan rộng và gia tăng số ca mắc, số ca tử vong trên toàn cầu, một số quốc gia đã đưa ra những chính sách cứng rắn để kiểm soát và khống chế dịch sởi đồng thời đề phòng xảy ra các dịch bệnh khác.

- Tại Ý, kể từ ngày 10/3/2019, trẻ em dưới 6 tuổi ở Ý sẽ không được đến trường, nếu chưa tiêm vaccine phòng một số bệnh cơ bản bao gồm thủy đậu, bại liệt, sởi, quai bị và rubella. Trẻ em trong độ tuổi từ 6-16 tuổi vẫn được đến trường, nhưng các bậc phụ huynh sẽ phải đối mặt với án phạt tiền lên tới 500 Euro nếu không tiêm chủng đầy đủ cho con.

- Tại Mỹ, ít nhất 800 học sinh ở một quận của tiểu bang Washington, Mỹ sẽ phải nghỉ học vài tuần lễ, dưới nỗ lực dập tắt hiệu ứng domino do dịch sởi gây ra. Các trường hợp rơi vào diện đình chỉ là học sinh có dấu hiệu mắc sởi và không chứng minh được mình đã tiêm phòng.

Chính quyền địa phương cũng phải vừa thông qua một dự luật thắt chặt quyền miễn trừ tiêm chủng cho trẻ em. Ở một số tiểu bang của Mỹ, luật pháp cho phép cư dân từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ.

Ban Biên tập website Viện