ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 10

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Phát động chương trình “Sức khỏe Việt Nam”

Sáng 27.2.2019, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình “Sức khỏe Việt Nam”. Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, TP và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh. Theo đó, tại Hội Nghị, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi mỗi người dân cần có thói quen tốt về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực và yêu cầu Bộ Y tế, các bộ liên quan tăng cường công tác truyền thông giúp người dân có kiến thức về chăm sóc sức khỏe.

Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” trong giai đoạn từ năm 2018 - 2030 tập trung vào 3 nhóm ưu tiên: nâng cao sức khỏe thông qua các hoạt động bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực; bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em và học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng cũng thực sự đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển, đó là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu,... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống,... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này đang chiếm hơn 70% số tử vong hằng năm.

2. Những bước tiến đáng tự hào của ngành y VN ngang tầm quốc tế

Những phương pháp mổ gây tiếng vang thế giới

U nang ống mật chủ là bệnh bẩm sinh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ gan, ung thư ống mật. Để khắc phục những hạn chế của phương pháp mổ mở GS-TS Nguyễn Thanh Liêm đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp “Nội soi u nang ống mật chủ” từ năm 1996. Từ đó đến nay, đã có hơn 500 ca được ông Liêm mổ bằng phương pháp này, tỉ lệ thành công là 99,5%, không có ca biến chứng. Phương pháp này cũng được công nhận là một trong số 10 công trình khoa học phẫu thuật nhi được quan tâm nhiều nhất thế giới năm 2009-2010.

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ứng dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phương pháp này được ứng dụng thành công. Kỹ thuật này do PGS-TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV Nội tiết Trung ương - hoàn thiện và được các chuyên gia nước ngoài khâm phục, đặt tên là kỹ thuật “Dr Lương”.

Nỗ lực mang kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam

Bệnh viện Răng- Hàm-Mặt Trung ương HN đã ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như kỹ thuật vi phẫu tái tạo khuyết hổng xương mặt hàm là một kỹ thuật hết sức thành công của bệnh viện, đi trước Singapore và Thái Lan. Bên cạnh đó, các kỹ thuật cao trong cấy ghép răng Implant, phục hình răng thẩm mỹ, điều trị răng miệng cho trẻ em dưới gây mê - một trong những kỹ thuật rất phức tạp nhưng đã thực sự đem lại hiệu quả điều trị cao....

“Tự chủ vaccine”, sẵn sàng ứng phó đại dịch

Ngày 25.9.2018, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế công bố đã nghiên cứu thành công vaccine cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vaccine cúm đại dịch A/H5N1. IVAC sản xuất các loại vaccine trên quy mô sản xuất công nghiệp, với chất lượng cao, an toàn. Công suất vaccine cúm mùa là 1,5 triệu liều/năm; vaccine cúm A/H5N1 là 3 triệu liều/năm. Những nỗ lực trong việc tự sản xuất vaccine cúm không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vaccine cúm trong khu vực và trên thế giới.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Phát hiện ''vũ khí'' mới trong cuộc chiến chống sốt rét

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Harvard đã phát hiện thuốc chống sốt rét atovaquone, hay còn gọi là ATQ, có khả năng ngăn chặn sự lây lan của ký sinh trùng sốt rét. Kết quả của công trình nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Journal.

Theo đó, nhóm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng có thể tấn công và ngăn chặn các ký sinh trùng sốt rét bằng chính thuốc ATQ thay vì các chất hóa học khác. Thuốc ATQ mang lại kết quả tích cực bởi thuốc này dễ dàng thẩm thấu qua lớp ngoài cùng của muỗi khi chúng đậu trên màn tẩm thuốc.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng thuốc ATQ còn giúp ngăn chặn muỗi bị lây nhiễm các ký sinh trùng sốt rét trong trường hợp trường hợp muỗi này được tiếp xúc với thuốc ATQ 24 giờ trước khi hút máu nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Đây được coi là bước đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,