ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 1-2 (Từ 3/1/2022 - 16/1/2022)

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp tết nguyên đán 2022

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Nhằm bảo đảm các điều kiện để người dân đón tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT về việc Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp tết nguyên đán 2022. Theo đó:

Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành cùng với xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022, cần tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch và theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.

Phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên các cán bộ y tế công tác tại đơn vị…

Đặc biệt là chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để quản lý nhóm nguy cơ cao; tổ chức tiêm vét vaccine phòng Covid-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung.

Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện; nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới và năng lực vận chuyển cấp cứu…

Chi tiết chỉ thị 01/CT-BYT ngày 13/1/2022.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay (16/1/2022) Việt Nam có 2.023.546 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.347 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.001.625 ca, trong đó có 1.715.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (510.968), Bình Dương (292.023), Đồng Nai (99.216), Tây Ninh (85.245), Hà Nội (84.970). Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (5).

Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.480 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tình hình xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 31.397.354 mẫu tương đương 75.176.966 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 166.942.276 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78,5 triệu liều, tiêm mũi 2 là 72,1 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc) là 16,2 triệu liều.

2. Hội chứng hậu Covid-19

Từ tháng 10/2021, thế giới có những định nghĩa về hội chứng hậu Covid-19. Đây là tình trạng bệnh ở những người đã từng mắc nhiễm hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, có những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất hai tháng đến ba tháng trở lên. Triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, có cả triệu chứng tâm thần, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể mới khởi đầu sau khi hồi phục Covid hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh.

Di chứng hậu Covid-19 được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế TP HCM trong 2022, khi số ca mắc tại đây là hơn nửa triệu người, chiếm khoảng 5% dân số. Để chăm sóc toàn diện sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh, Sở Y tế sẽ triển khai hai chiến lược, gồm tiếp cận và can thiệp sớm. Mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 của thành phố cũng thực hiện theo tháp 3 tầng. Trong đó, tầng một là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng hai là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng ba là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch). Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.

Hiện nhiều bệnh viện, cả bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện của thành phố, đã thành lập các khoa điều trị hậu Covid-19 như Nhi đồng 1, Bệnh Nhiệt đới, Lê Văn Thịnh, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM... Mới đây trường Đại học Y dược TP HCM xây dựng cẩm nang phục hồi sau Covid-19 với 11 chuyên đề, do 20 chuyên gia đầu ngành biên soạn.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến hết ngày 16/1/2022, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới là 328.826.023, 268.714.615 ca khỏi bệnh; 5.557.754 tử vong và 55.553.654 đang điều trị (96.075 ca diễn biến nặng).

Tính từ đầu đại dịch, Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 66.995.533 người, trong đó có 873.564 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 37.380.253 ca nhiễm, bao gồm 486.482 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 23.006.952 ca bệnh và 621.099 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 số ca mắc trên 104,2 triệu (1.271.363 triệu ca tử vong), tiếp đến là châu Á với trên 90,3 triệu ca (1,2 triệu ca tử vong). Bắc Mỹ ghi nhận trên 78,6 triệu ca (1.275.926 triệu ca tử vong), Nam Mỹ là trên 40 triệu ca (1.198.462 triệu ca tử vong), tiếp đến là châu Phi 10,4 triệu ca (234 nghìn ca tử vong) và châu Đại Dương trên 1,9 nghìn ca (5 nghìn ca tử vong).

Ban Biên tập website Viện