ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 02

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế nhập thuốc Tamiflu để điều trị bệnh cúm

Để chủ động phòng chống bệnh cúm trong mùa đông xuân, ngày 26/12/2019, Bộ Y tế đã nhập 50 nghìn viên thuốc Tamiflu để cung cấp cho các bệnh viện có nhu cầu. Tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, mỗi bệnh viện được cấp từ 1.000 - 2.000 viên Tamiflu trong lô thuốc 50 nghìn viên nói trên. Dự kiến lô thuốc Tamiflu tiếp theo (khoảng 140.000 viên) sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 1/2020 để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.

Bộ Y tế đề nghị người dân không tự ý điều trị, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không bảo đảm an toàn và gây kháng thuốc. Người dân khi có triệu chứng bệnh cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo Hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị.

2. Những điều cần biết khi tiêm vắc-xin cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm do các chủng virus cúm influenza gây ra. Đây là một bệnh lý xảy ra theo mùa, thường là vào mùa thu đông và có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh qua đường hô hấp.

Những đối tượng nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa là: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Phụ nữ mang thai. Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Người mắc các bệnh lý mạn tính như: hen, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.

Những trường hợp không nên chủng ngừa cúm: Bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bé từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin cúm trong quá khứ. Nếu con bị dị ứng với trứng hoặc bạn nghi ngờ về điều này, hãy báo cho bác sĩ bởi loại vắc xin này được nuôi trong trứng gà và có thể chứa đặc tính của protein trứng. Tuy nhiên, bé vẫn có thể chủng ngừa cúm nếu chỉ bị phát ban khi tiếp xúc với trứng. Nếu bé không khỏe hoặc bị sốt, bạn phải báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.

Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc xin chủng ngừa cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ được tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những người chưa từng nhiễm virus cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng này có thể kéo dài đến 2 ngày. Các phản ứng dị ứng rất hiếm hoi nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc-xin nào. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết xem con bạn có gặp bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào không.

3. Bộ Y tế thí điểm liên thông đơn thuốc điện tử quốc gia

Người bệnh có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu ở Việt Nam mà đảm bảo có đơn thuốc (bằng mã đơn của chính mình). Bệnh nhân cũng có thể truy xuất toa thuốc bác sĩ đã kê cho mình, từ đó phản hồi hoặc xin tái kê đơn. Người dân cũng được cảnh báo với các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cấm khác, được cảnh báo về các đơn thuốc quá hạn, cần tái khám mới tiếp tục sử dụng...

Đề án Đơn thuốc điện tử quốc gia hiện được Bộ Y tế thí điểm tại 2 tỉnh là Hà Tĩnh và Hưng Yên. Toàn bộ đơn thuốc đã kê của các cơ sở đều gửi lên hệ thống Đơn thuốc điện tử Quốc gia và các cấp quản lý Bộ Y tế, Sở Y tế, đơn vị quản trị các đơn thuốc đã kê.

Phần mềm đơn thuốc điện tử quốc gia là nơi có thể tiếp nhận, lưu trữ đơn thuốc gửi tới từ các cơ sở khám chữa bệnh (công lập và tư nhân) trên phạm vi toàn quốc. Mỗi đơn thuốc sẽ có một mã khác nhau và đảm bảo tính bảo mật cũng như đảm bảo tránh trùng lặp. Phần mềm sẽ chia sẻ đơn thuốc tới người bệnh và các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thị trường. Năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai kết nối liên các cơ sở cung ứng thuốc. Đến nay đã có gần 90% cơ sở cung ứng thuốc có phần mềm. Năm 2019, Bộ tiếp tục áp dụng đơn thuốc điện tử quốc gia để đảm bảo chu trình khép kín trong việc quản trị dòng đường đi của thuốc, bán thuốc theo đơn và tránh tình trạng nhờn thuốc.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Thông điệp về y tế năm 2020 của WHO

Vào đầu năm mới và thập kỷ mới, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã gửi đến toàn thế giới thông điệp về ngành y tế năm 2020. Tổng Giám đốc cho biết, "Các nhân viên y tế đang làm công việc cứu người mỗi ngày, kể cả những ngày nghỉ khi chúng ta ở nhà trong năm mới, thế giới cần phải làm tốt hơn trong việc hỗ trợ các nhân viên y tế, đó là trả tiền, đào tạo và bảo vệ họ". WHO ước tính rằng thế giới sẽ cần thêm 18 triệu nhân viên y tế, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Ông gọi năm 2020 là "Năm của Y tá và Nữ hộ sinh", nơi tôn vinh các chuyên gia cung cấp một loạt các dịch vụ y tế từ những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời cho đến lần cuối cùng. Theo thống kê của WHO, có 22 triệu y tá và hai triệu nữ hộ sinh trên toàn thế giới, họ phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh, chăm sóc trong khi sinh con và cũng phục vụ những người bị bắt trong các trường hợp khẩn cấp và xung đột nhân đạo.

"Trong năm nay, WHO và các đối tác sẽ yêu cầu các quốc gia cải thiện giáo dục và việc làm của các y tá và nữ hộ sinh", ông nói. Ông cho biết 70% lực lượng lao động y tế toàn cầu là nữ và các công việc của các nhân viên y tế thường là việc làm cho phụ nữ. Kết thúc thông điệp, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: "Đầu tư vào nhân viên y tế là trả cổ tức gấp ba lần cho sức khỏe, tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới".

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,