ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 01

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Những văn bản mới có hiệu lực từ 1/1/2020

Đã uống rượu, bia thì cấm lái xe

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Theo đó, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Cụ thể, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo...) đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

Ngoài ra, luật còn có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…

Tăng lương tối thiểu vùng

Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định người lao động làm việc ở các doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động sẽ được tăng lương từ 150.000-240.000 đồng so với năm 2019. Theo đó, lương vùng I là 4.420.000 đồng một tháng (tăng 240.000 đồng), vùng II là 3.920.000 đồng (tăng 210.000 đồng); vùng III ở mức 3.430.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng IV là 3.070.000 đồng (tăng 150.000 đồng).

Nghị định cũng nêu rõ việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bệnh bại liệt có thể bùng phát trở lại ở các nước châu Á

Bệnh bại liệt gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, để lại những biến chứng lâu dài và có thể dẫn đến tử vong. Nhiều quốc gia châu Á đã đi đầu trong mục tiêu của họ để loại bỏ căn bệnh này, và một số thậm chí đã thành công trong việc đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, những vụ dịch bại liệt gần đây ở Philippines và Malaysia đã một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về việc loại bỏ căn bệnh này, và nếu có đủ sự chú ý để kiểm soát sự bùng phát của căn bệnh này ở phần còn lại của châu Á. Chúng ta đã làm đủ để kiểm soát ổ dịch này chưa chính là câu hỏi của các chuyên gia được đặt ra.

Philippines đã báo cáo trường hợp mắc bệnh bại liệt đầu tiên trong 19 năm vào tháng 9 năm 2019. Ngành Y tế Philippines đã nổ lực hết mình để khống chế sự lây lan của căn bệnh cũng như không để cho dịch quay lại lần nữa. Ngày 8/12/2019, một cậu bé Malaysia ba tháng tuổi ở Sabah đã được phát hiện mắc bệnh bại liệt vào, đây là trường hợp mắc bệnh bại liệt đầu tiên được báo cáo ở Malaysia kể từ năm 1992.

Để kiểm soát ổ dịch này, điều quan trọng là các hoạt động giáo dục và nhận thức cộng đồng khác nhau cùng với việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh với độ bao phủ cao trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng nên được thực hiện một cách có hiệu quả và đồng thời trên toàn khu vực để đảm bảo rằng bệnh được kiểm soát và không lan sang các khu vực khác nhau tại mỗi quốc gia và trên khắp châu Á. CDC đã khuyến nghị du khách đến các nước châu Á nên được tiêm phòng đầy đủ chống lại bệnh bại liệt. Người lớn được tiêm vắc-xin trong thời thơ ấu cũng nên nhận thêm một liều vắc-xin bại liệt suốt đời để đảm bảo rằng chúng được bảo vệ.

2. Bùng phát dịch viêm phổi nghi do SARS

Trung Quốc đang điều tra bệnh viêm phổi nghi liên quan đến SARS, virus giống cúm đã giết chết hàng trăm người trước đây. Nhiều người có triệu chứng viêm phổi, nhập viện ngày 31/12/2019, trong tháng 12/2019, ở Vũ Hán ghi nhận 27 trường hợp viêm phổi, trong đó có 7 ca nguy kịch. Hiện chưa rõ các bệnh nhân có mắc SARS hay không. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp, yêu cầu các bệnh viện thực hiện phương pháp điều trị và kịp thời báo cáo các ca bệnh.

SARS là hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 11/2002. Chỉ trong vài tháng, bệnh đã lan rộng trên 29 quốc gia. Phần lớn, người mắc bệnh trên 65 tuổi. Đối với bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc tim mạch dễ bị biến chứng, có nguy cơ tử vong cao.

Ban Biên tập website Viện