Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM luôn chú trọng vào công tác Nghiên cứu khoa học. Thực hiện triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo Viện đã chỉ đạo thống nhất, đồng bộ các đơn vị trong việc triển khai công tác nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, Viện đã thành lập Hội đồng thẩm định, tuyển chọn, đăng kí số lượng và danh mục các đề tài NCKH cấp cơ sở, cấp Sở KHCN TP.HCM và cấp Bộ. Các lĩnh vực nghiên cứu của Viện bao gồm: Nghiên cứu các bệnh ký sinh trùng, sốt xuất huyết,bệnh giun sán, bệnh do côn trùng và ngoại ký sinh. Các đề tài nghiên cứu của Viện đều có ý nghĩa thiết thực phục vụ công tác chuyên môn, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết trong khu vực như: vấn đề sốt rét biên giới, tình hình lưu hành sốt rét dai dẳng ở một số khu vực; tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, tình hình nhiễm giun sán, hiệu lực tẩy giun của các thuốc điều trị. Giai đoạn 2011-2022 Viện đã triển khai thực hiện thực hiện 96 đề tài, trong đó có 78 đề tài cấp cơ sở, 02 đề tài cấp Bộ, nghiệm thu 01 đề tài phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và 15 hoạt động hợp tác (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford, Tổ chức Y tế thế giới-WHO, Tổ chức Di trú quốc tế - IOM , với Đại Học Y Dược TP.HCM, …). Bên cạnh đó, Viện cũng nâng cấp và bố trí lại Phòng thí nghiệm, xây dựng hệ thống các quy định văn bản, lưu trữ, quy định trong phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2. Hiện nay có 40 danh mục kỹ thuật xét nghiệm trong khoa theo SOP về các kỹ thuật xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, giun sán, sốt xuất huyết, bệnh sốt mò, viêm gan B (HBV), ngoại ký sinh (ve, mạt, ...) bằng kỹ thuật sinh học phân tử (Nested -PCR, Real time PCR, RT-PCR, multiplex- PCR, Western blot, IFA, ELISA; các kỹ thuật nuôi giữ chủng và thử thuốc KSTSR trong in vitro và in vivo đang được biên soạn lại. Đồng thời, xây dựng phòmg thí nghiệm đạt chuẩn an toàn học cấp 2.
Cấp uỷ và Lãnh đạo Viện rất quan tâm đến các hoạt động khoa học công nghệ của Viện. Do đó, hoạt động này đã từng bước phát triển và đạt được một số thành tích đáng kể. Năm 2018, Viện đã bảo vệ thành công đề tài “Xác định thành phần loài, sự lưu hành tác nhân gây bệnh và đề xuất quy trình giám sát một số loài chân đốt y học ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng” xếp loại xuất sắc.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học công nghệ của Viện vẫn còn gặp một vài trở ngại như sau: Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa cao; Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh đầu tư tuy nhiên nhìn chung vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao; Mức kinh phí chi ngân sách cho khoa học và công nghệ còn hạn chế; Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ mặc dù đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn nặng tính tính hành chính.
Để phát triển hoạt động khoa học công nghệ và hướng tới xây dựng Viện Sốt rét – KST – CT TP.HCM thành một trong những Viện nghiên cứu chuyên ngành hàng đầu của khu vực Nam bộ - Lâm Đồng cần thực hiện một số giải pháp sau:
Giải pháp về thông tin: Thúc đẩy thương mại, quảng bá các sản phẩm/dịch vụ khoa học công nghệ phục vụ chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu. Thường xuyên rà soát, trao đổi chuyên môn, seminar khoa học, bám sát mục tiêu chiến lược và các nhiệm vụ ưu tiên được phê duyệt.
Giải pháp về tổ chức: Tập trung và đẩy mạnh phát triển hai phòng thí nghiệm trọng điểm: Phòng thí nghiệm chuyên sâu trực thuộc khoa Khoa Xét nghiệm và Phòng thí nghiệm Y học chẩn đoán và kỹ thuật cận lâm sàng trực thuộc Phòng Khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng.
Giải pháp về nhân lực: Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học chủ chốt của Viện để đáp ứng nhu cầu nhân lực cao phục vụ định hướng phát triển của Viện. Thường xuyên cử cán bộ tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu công việc.
Giải pháp về cơ sở vật chất: Đầu tư trang thiết bị vật chất phục vụ cho các hướng nghiên cứu ưu tiên, hình thành tổ chức và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của Viện. Khai thác các nguồn ngân sách đầu tư từ các quỹ khoa học công nghệ, các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu .
Giải pháp về tài chính: Phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, bao gồm phát triển đề tài, dự án các cấp, đề án sản xuất thử nghiệm từ ngân sách nhà nước. Khai thác các đề tài, dự án hợp tác với nước ngoài, từ đặt hàng của các doanh nghiệp, địa phương,…
ThS.DS. Huỳnh Kha Thảo Hiền