Một số loài ấu trùng giun có khả năng xâm nhập trực tiếp qua da từ môi trường như đất hoặc cát bị nhiễm bẩn. Thường gặp nhất là loài giun móc Ancylostoma braziliense từ chó và mèo hoặc giun lươn Strongyloides stercoralis từ người. Trường hợp hiếm gặp hơn là ấu trùng lạc chủ, lạc chỗ như giun đầu gai Gnathostoma spinigerum từ cá, chim trời, các loài lưỡng cư…
Hình 1. Ấu trùng dưới da ở bệnh nhân 73 tuổi (06/09/2022)
Hình 2. Ấu trùng ở dangón tay của bệnh nhi 2 tuổi (28/09/2022)
Hình 3. Sẹo rỗ tại vị trí xâm nhập và đường đi của ấu trùngở chân bệnh nhân (10/06/2022)
Người ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp da với đất, cát bẩn bị nhiễm ấu trùng. Khoa Khám bệnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp từ trẻ em cho tới các cụ già bị ấu trùng xâm nhập qua da, biểu hiện lâm sàng rõ ràng nhất là gây ngứa dữ dội, xuất hiện hồng ban và sẹo rỗ tại vị trí xâm nhập, tiếp đến da viêm đỏ nâu và có hình là một đường ngoằn ngoèo dưới da, có thể viêm sưng phồng mô mềm thành nốt mủ gặp ở giun đầu gai. Chẩn đoán xác định cần dựa vào bệnh sử, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm miễn dịch.
Mặc dù nhiễm ấu trùng giun móc chó mèo có thể tự khỏi sau vài tuần, tuy nhiên bệnh cần được điều trị để giảm sự khó chịu và nguy cơ nhiễm trùng thứ phát. Đối với giun lươn, giun đầu gai cần điều trị toàn thân tránh ấu trùng di chuyển vào hệ tuần hoàn, gây bệnh ở cơ quan nội tạng.
BS.Nguyễn Thảo Phương