Kỹ thuật triệt sản muỗi đực bằng bức xạ sẽ được y tế toàn cầu nỗ lực thử nghiệm nhằm kiểm soát các bệnh như chikungunya, sốt xuất huyết và Zika.
Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên đáng kể do nhiều yếu tố như thay đổi môi trường, đô thị hóa, giao thông và du lịch không được kiểm soát chặt chẽ, thiếu các công cụ và ứng dụng kiểm soát véc tơ bền vững.
Kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) là một hình thức kiểm soát sự sinh sản của côn trùng. Quá trình này liên quan đến việc nuôi một lượng lớn muỗi đực đã triệt sản trong các cơ sở chuyên dụng, sau đó thả cho chúng giao phối với những con cái trong tự nhiên. Vì không sinh sản được nên quần thể côn trùng sẽ giảm dần theo thời gian. Kỹ thuật này đã được chứng minh thành công đối với côn trùng tấn công cây trồng và vật nuôi.
Kỹ thuật triệt sản côn trùng lần đầu tiên được phát triển bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và đã được sử dụng thành công nhắm vào các loài côn trùng gây hại tấn công cây trồng và vật nuôi, chẳng hạn như ruồi giấm Địa Trung Hải và ruồi giun vít Tân thế giới. Kỹ thuật này hiện đang được sử dụng trên toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hướng dẫn sử dụng kỹ thuật này để kiểm soát bệnh ở người khuyến nghị rằng nên áp dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn để có thời gian kiểm tra hiệu quả của côn trùng đã triệt sản. Các chỉ số dịch tễ học sẽ theo dõi tác động của phương pháp đối với sự lây truyền bệnh. Điều này cũng giúp đưa ra các khuyến nghị về việc sản xuất hàng loạt muỗi triệt sản, về sự tham gia của chính phủ và cộng đồng, đo lường tác động của kỹ thuật và đánh giá hiệu quả chi phí. Các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sốt xuất huyết Dengue và Zika đã thể hiện sự quan tâm thực sự trong việc thử nghiệm công nghệ này vì nó có thể giúp ngăn chặn muỗi đang phát triển khả năng kháng thuốc diệt côn trùng cũng như tác động tiêu cực của thuốc với môi trường.
ThS. Phạm Thị Thu Giang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.who.int/news/item/14-11-2019-mosquito-sterilization-offers-new-opportunity-to-control-chikungunya-dengue-and-zika