Hội thảo đánh giá lộ trình loại trừ sốt rét của các tỉnh khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Thực hiện Quyết định số 08/2017/QĐ-BYT ngày 04/01/2017 của Bộ Y tế về Lộ trình Phòng chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam, để đánh giá đúng thực tế tình hình triển khai lộ trình phòng chống và loại trừ sốt rét ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 15/2/2019, Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đánh giá lộ trình loại trừ sốt rét của các tỉnh khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng” về quá trình triển khai, những vấn đề khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất cách đánh giá, đề xuất hướng giải quyết.

Tham dự Hội thảo, có các đại biểu đại diện lãnh đạo của các Trung tâm KSBT/YTDP, các cán bộ làm công tác sốt rét của 20 tỉnh khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng; Về phía WHO có BS. Trần Công Đại, Đại diện cho WHO tại Việt Nam; Về phía Tổ chức Sáng kiến tiếp cận Y tế Clinton có ông Ngô Huy Đăng, Giám đốc dự án và các cán bộ của dự án; Về phía Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM có PGS. TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng, TS. Phùng Đức Truyền - Phó Viện trưởng và các các bộ, viên chức chuyên môn, lãnh đạo các khoa phòng thuộc Viện.

Mở đầu Hội thảo là phát biểu khai mạc của PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM.

Tiếp theo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về tình hình sốt rét 11 năm (2007 - 2017) khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng; Báo cáo tổng kết công tác phòng chống ký sinh trùng, côn trùng năm 2018, khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Nhìn chung, từ năm 2007 - 2018, tình hình sốt rét đã giảm từ 8.018 xuống còn 1.628 ca mắc. Năm 2018, có 14 tỉnh có dưới 10 KST SR, chủ yếu từ 0 - 4 KST SR, có 01 tỉnh có 08 KST SR. Sốt rét vẫn tập trung ở Bình Phước, chiếm khoảng 80% khu vực.

Báo cáo về Chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét khu vực Tiểu vùng Sông Mê Kông cho thấy tình hình sốt rét, KST SR kháng thuốc của các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông diễn biến phức tạp. Hiện nay KST SR P. falciparum đã kháng với Artermisinin và thuốc sốt rét phối hợp ACT. Tình hình bệnh sốt rét tại Campuchia phức tạp và là nước thường xuyên giao lưu dân số với Việt Nam. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát, chẩn đoán xác định sớm và điều trị kịp thời để cắt đứt lan truyền giữa các vùng sốt rét kháng thuốc.

Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các báo cáo tham luận của các địa phương về tình hình sốt rét trong 3 năm qua như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bình Dương, Tây Ninh, Kiên Giang, phân tích số ca mắc sốt rét, số ca mắc nội địa, số ca mắc ngoại lai; Phân bố những ca bệnh này thuộc huyện, xã nào, những khó khăn, thuận lợi và kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình loại trừ sốt rét cụ thể của từng tỉnh.

Phần thảo luận rất sôi nổi, xoay quanh các vấn đề trọng tâm về tình hình sốt rét và lộ trình thực hiện LTSR ở khu vực. Hiện tại có 10/20 tỉnh năm 2016 thuộc giai đoạn LTSR hoặc đề phòng sốt rét quay trở lại, trong đó có 06 tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ là: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang. Có 10/20 tỉnh thuộc giai đoạn PCSR, trong đó có 06 tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ là Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; và 04 tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ là An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Khó khăn chính vẫn là vấn đề về KST SR kháng thuốc, giảm nhạy, tổ chức PCSR, kinh phí, không được sự hưởng ứng của nhân dân, dân giao lưu vào vùng SRLH, muỗi sống ngoài nhà, mật độ KST thấp dưới ngưỡng phát hiện. Cơ cấu KST SR thay đổi, tỷ lệ P.falciparum giảm dần 77,6% (2007) còn 46,4% (2014), nhưng đến năm 2018 lại tăng 52,96%. Năm 2018, tỷ lệ P.vivax ở Lâm Đồng tăng cao chiếm 82,29% (144/175). Chất lượng soi lam của địa phương còn sai sót rất nhiều, đặc biệt là Bình Phước. Về kinh phí cũng hết sức khó khăn, phân bổ chậm, cắt giảm, cơ chế chính sách cũng khó khăn.

Vấn đề đơn kháng, đa kháng, tốc độ kháng nhanh, phạm vi lan rộng. Hiện nay, vẫn chưa có thuốc Mefloquin để điều trị chống kháng. Thảo luận cũng đưa ra vấn đề các giải pháp tăng cường chất lượng công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sốt rét; về giải pháp quản lý ca bệnh và hỗ trợ tuân thủ điều trị sốt rét. Các biểu mẫu về báo cáo ca bệnh cần chuẩn hóa, thống nhất cách đánh giá, xác minh mỗi ca bệnh nội địa và ngoại lai cho các địa phương, đồng thời đưa ra tiêu chí và bảng kiểm để xác định tỉnh đạt tiêu chuẩn loại trừ sốt rét do Bộ Y tế ban hành. Với tình hình như trên, mục tiêu thực hiện để loại trừ sốt rét P. falciparum vào năm 2025 và loại trừ tất cả các loài sốt rét trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030 sẽ khó khăn.

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng nhấn mạnh các nội dung mà các đại biểu đã nhận xét, đề xuất những vấn đề chuyên sâu đưa ra trong hội thảo là rất quan trọng, thiết thực và sẽ giải quyết trong thời gian tới. Tất cả các hoạt động PCSR đều được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, do đó sốt rét đã giảm rất nhiều. Các vấn đề khó khăn hiện nay là sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất, sự hưởng ứng của người dân trong công tác PCSR, công tác truyền thông chưa tác động vào ý thức của người dân; việc xây dựng các chính sách, thủ tục còn chưa thống nhất mặc dù Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2011 cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Các Thông tư, chỉ thị hướng dẫn không phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian tới, Viện sẽ cố gắng phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể để cùng triển khai thực hiện Chiến lược LTSR. Cuối cùng, thay mặt Viện, Viện trưởng cảm ơn WHO đã hỗ trợ Viện triển khai các hoạt động, mong rằng sẽ tiếp tục được hợp tác trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Thị Yến, ThS. Trần Quang Vũ

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo