Trong khuôn khổ chuyến khảo sát để cập nhật chính sách và triển khai chương trình Phòng chống sốt rét tới đây, ngày 19/3/2013 Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Campuchia, Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) đã có buổi thăm quan và làm việc tại Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn công tác đáng giá cao kết quả phòng chống sốt rét của Việt Nam trong thời gian qua, số mắc và chết do sốt rét liên tục giảm, không để dịch sốt rét xảy ra. Tuy nhiên hiện nay khả năng thuốc artemisinin - một loại thuốc điều trị đặc hiệu P.falciparum đã kháng tại 3 tỉnh (Bình Phước, Gia Lai, Đăk Nông) khu vực phía Nam và cao nguyên Việt Nam. Mặc dù Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam rất quan tâm đến việc ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, cụ thể tháng 11/2011, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng chống và loại trừ sốt rét. Kế hoạch ngăn chặn kháng thuốc cúng đã được thông qua, nhưng chưa được phát huy hiệu quả ở y tế tuyến dưới, do hạn chế về sự hiểu biết tính nghiêm trọng và khẩn cấp của việc ngăn chặn kháng thuốc. Do đó cần phải phổ biến thông tin về phòng chống và loại trừ kháng thuốc sốt rét cho tất cả các cấp, phải xác định rõ vai trò của Bộ Y tế và các Viện Sốt rét - KST - CT và các tỉnh.
Những thách thức để thực hiện có hiệu quả kế hoạch chống kháng đó là: kinh phí hạn chế, vấn đề cung cấp dịch vụ (khó khăn trong việc theo dõi bệnh nhân 3 ngày để đảm bảo phác đồ điều trị và đáp ứng thuốc), và thiếu nhận thức về tầm quan trọng của kháng thuốc, cũng như thiếu quan tâm về hậu quả/hành động của ngành y tế ở các cấp thấp hơn. Mức độ giám sát thực địa và hỗ trợ cho việc chống kháng không đủ để bảo đảm cường độ và tính chính xác của các hoạt động cần thiết để ngăn chặn, có lẽ là do thiếu nguồn lực giám sát và theo dõi.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác, TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM đã giới thiệu các hoạt động phòng chống sốt rét kháng thuốc do Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM thực hiện cũng như phối hợp thực hiện trong thời gian qua. Sốt rét kháng thuốc xuất hiện trong khu vực tại tỉnh Bình Phước là mối đe dọa cho tình hình sốt rét chung của Việt Nam, do tỉnh Bình Phước có số lượng dân nhập cư, dân di cư rất lớn và khó kiểm soát, đây có thể mầm mống của việc lan truyền và làm trỗi dậy dịch bệnh nếu các cơ quan chức năng chủ quan, thiếu quan tâm. TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao sự giúp đỡ của WHO, AusAID, USAID trong việc hỗ trợ Việt Nam, hỗ trợ khu vực nghiên cứu và thực hiện các biện pháp ngăng chặn sốt rét kháng thuốc.
Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các khoa, phòng, trung tâm của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã phát biểu và thảo luận nhiều vấn đề về công tác phòng chống sốt rét ở khu vực, nhữung khó khăn, hạn chế trong việc triển khai các hoạt động chống sốt rét kháng thuốc ở khu vực. TS. Wayne Stinson (Usaid), BS. Michael O’Dwyer (Ausaid), BS. Steven Bjorge (WHO) và BS. Trần Công Đại cho biết các tổ chức rất quan tâm đến tình hình sốt rét kháng thuốc của khu vực Đồng Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng và sẽ xem xét các nguồn lực sẵng có cũng như kêu gọi cá tổ chức khác để hỗ trợ Việt Nam khống chế sốt rét kháng thuốc và giải quyết bệnh sốt rét. Trước mắt cần phải xác định các bước quan trọng để cải thiện tốc độ đối phó tình hình (trong đó có thể bao gồm tiếp tục tăng vận động chính sách cho chính phủ VN), cũng như thiết lập một cơ sở cho sự hợp tác trong tương lai của USAID, WHO và AusAID để hỗ trợ các kế hoạch giải quyết kháng artermisinine và phòng chống sốt rét tại Việt Nam.