Tình hình sốt xuất huyết tính đến cuối tháng 7/2017

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2017 đến 27/7/2017, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tằng 11,2%, số tử vong tăng 03 trường hợp. Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, nhất là các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định. Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyêt lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Chiều 28/7/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã bất ngờ kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ngay sau khi đi thị sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự lo lắng dù dịch SXH đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội nhưng nhiều người dân vẫn lơ là trong việc phòng chống. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác phòng chống dịch nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của ngành y tế. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến nay tại Hà Nội đã ghi nhận gần 8.000 người mắc SXH với 4 trường hợp tử vong. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm. Đáng lo ngại là nhiều hộ gia đình khi lực lượng phòng chống dịch đến phun thuốc diệt muỗi thì đi vắng hoặc không hợp tác.

Hình 1. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết, nơi ăn ở khu trọ của người dân tại ngõ 121 Chùa Láng

Ngày 29/7/2017, Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP HCM. Đoàn đã kiểm tra thực tế tại phường Hiệp Thành, đây là phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tại Quận 12. Từ đầu năm đến nay, phường có 197 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Theo Sở Y tế TP HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có gần 11.200 ca SXH tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong, 18/24 quận, huyện có số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó huyện Cần Giờ và Quận 12 tăng cao hơn 100%. Hiện quận Bình Tân có số ca bệnh ca và tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất thành phố.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có nhận thức đúng về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Muốn phòng bệnh hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm là diệt lăng quăng và muỗi, từ đó mới có thể khống chế dịch bệnh, giảm số ca mắc và khi có dịch bệnh phải phun thuốc diệt muỗi cho đúng cách.

Hình 2. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống SXH tại phường Hiệp Thành, Quận 12.

Hình 3. Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc với Lãnh đạo UBND, Sở Y tế TP. HCM

Trước đó, ngày 28/6/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2853/QĐ-BYT về việc thành lập 07 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống Sốt xuất huyết tại các tỉnh/thành phố trọng điểm. Trong đó Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. HCM đã phối hợp với đoàn công tác Viện Pasteur TP. HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM giám sát tại tỉnh Vĩnh Long và cùng với đoàn Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Viện Pasteur TP. HCM, Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ giám sát tại tỉnh An Giang:

- Tình hình sốt xuất huyết tại Vĩnh Long:

+ Tính đến tuần 26/2017, tỉnh Vĩnh Long có 803 ca mắc SXHD, không có ca tử vong, xếp thứ 10 ở khu vực phía Nam (KVPN) về số mắc/100.000 dân (tương ứng 75 ca/100.000 dân) và chiếm 3% tổng số mắc toàn KVPN. Số mắc SXHD của Vĩnh Long hiện tăng 70% so cùng kỳ (803 ca/ 473 ca), 51% số mắc hiện tập trung chủ yếu ở 3 huyện/thành phố: Long Hồ (186 ca), Mang Thít (121 ca) và TP. Vĩnh Long (104 ca) và 100% huyện/thành phố/thị xã trong tỉnh Vĩnh Long (8/8) đều gia tăng số mắc SXHD so cùng kỳ 2016. Diễn tiến SXHD hàng tuần cho thấy số mắc trong những tuần đầu năm 2017 luôn duy trì ở mức cao với trung bình 31 ca/tuần và hiện bệnh SXHD tại Vĩnh Long vẫn chưa giảm. Riêng tại huyện Long Hồ, số mắc SXHD hiện tăng 50% so cùng kỳ (186 ca/124 ca) và phân bố ở 15/15 xã/thị trấn, trong đó xã Long Phước (20 ca) hiện xếp thứ 3 toàn huyện về số mắc cao. Có 02 type vi vi rút D1, D2.

+ Dữ liệu giám sát véc tơ thường xuyên tại các điểm do TTYTDP tỉnh Vĩnh Long phụ trách cho thấy véc tơ luôn hiện diện trên địa bàn: chỉ số Breteau trong 5 tháng đầu năm cao hơn ngưỡng dịch (BI>30); chỉ số mật độ muỗi tháng 04/2017 tăng đột biến vượt ngưỡng dịch (DI>0,5 con/nhà), cao hơn cùng kỳ 2016 và trung bình 05 năm.

- Tình hình Sốt xuất huyết tại An Giang:

+ Số mắc tháng đầu năm 2017 là 1.939 ca, tăng 19,1% so cùng kỳ 2016 (1628 ca) và tăng 84,3% so với số mắc trung bình 2011-2015 (1052 ca); Huyện có số ca mắc cao là Chợ Mới (573 ca), Long Xuyên (340), Châu Phú (259 ca), An Phú (193 ca); Số trường hợp SXHD nặng phát hiện trong 06th/2017 là 91 ca, chiếm 4,7% tổng số ca mắc. Nhóm tuổi ≤15 tuổi chiếm 68,9%, nhóm người lớn ≥15 tuổi chiếm 31,1%; Có 421 ổ dịch (xảy ra ở tất cả thị trấn/ huyện/thành phố), đã xử lý 421 ổ dịch đạt 100%; Có 01 ca tử vong; Có 3 type virus D1, D2, D4; trong đó D1 chiếm ưu thế 74,1%.

+ Hoạt động giám sát véc tơ của địa phương cho thấy các chỉ số côn trùng đều tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2017 như Phường Mỹ Phước- thành phố Long Xuyên (BI ≥ 60). Hoạt động giám sát véc tơ của địa phương chưa đạt yêu cầu chuyên môn

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà trọ chưa được quan tâm xử lý đúng mức dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, tham gia của người dân và các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương chậm trễ trong việc cấp kinh phí cho công tác phòng, chống.

Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho chính quyền các cấp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

2. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân chủ động, tích cực việc phòng chống; đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng.

5. Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp cơ sở chủ động thực hiện và tích cực vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt lăng quăng (bọ gậy).

Bộ Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Công điện này.

Khoa Côn trùng

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,