Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị và quản lý ca bệnh sốt rét

Thực hiện hoạt động của Dự án Định hướng và thúc đẩy chương trình PCSR tiến tới loại trừ sốt rét tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2020, ngày 06/4/2018, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị và quản lý ca bệnh sốt rét”.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, các bác sĩ làm công tác điều trị SR của 20 tỉnh/thành khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, một số huyện, xã có tình hình sốt rét gia tăng trong năm 2017, các bác sĩ của các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị NCLS Đại học Oxford, … Đại diện Tổ chức Sáng kiến tiếp cận Y tế Clinton có BS. Trần Thị Thu Thủy, Quản lý Chương trình sốt rét; Đại diện lãnh đạo Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM và các viên chức chuyên môn thuộc Viện.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, bệnh sốt rét ở khu vực có xu hướng giảm và giảm đều ở hầu hết các chỉ số BNSR, KSTSR, SRAT, và TVSR đều giảm, không có dịch sốt rét xảy ra. Phạm vi lưu hành bệnh sốt rét ngày càng thu hẹp, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Lâm Đồng, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, tình hình sốt rét, KST SR, SRAT, TVSR đều không ổn định và có xu hướng gia tăng cục bộ ở một số điểm, tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2017 và kéo dài sang đầu năm 2018. Hiện nay, KSTSR đã kháng với hầu hết các thuốc đang sử dụng, trong đó có thuốc artemisinin và dẫn chất, lan rộng trong khu vực. Nhiều trường hợp mắc bệnh sốt rét ngoại lai do đi làm việc, công tác, du lịch ở các tỉnh lân cận, các quốc gia có sốt rét lưu hành về. Chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét đến 2030 nhấn mạnh vai trò của cán bộ y tế trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và giám sát dịch tễ sốt rét là những hoạt động quan trọng nhằm đạt được mục tiêu này.

Mở đầu Hội thảo là phát biểu khai mạc của PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM.

PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM

phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau đó, các báo cáo viên của Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM trình bày tóm tắt về tình hình sốt rét và phòng chống sốt rét hiện nay, các điểm sốt rét gia tăng trong năm 2017; Kết quả hoạt động can thiệp tăng cường phòng chống sốt rét tại một số điểm sốt rét gia tăng và bài học kinh nghiệm; Thực trạng và giải pháp tăng cường chất lượng công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sốt rét; Hồi cứu 3 ca tử vong năm 2017 và những bài học kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm chẩn đoán, điều trị sốt rét ác tính.

Tiếp theo, đại diện của TT KSBT tỉnh Bình Phước trình bày về thực trạng và giải pháp tăng cường công tác giám sát chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sốt rét; TT YTDP tỉnh Bình Dương trình bày về quản lý ca bệnh trong nhóm dân di biến động; Cuối cùng là đại diện của Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới tóm tắt về tình hình sốt rét kháng thuốc do quần thể P. falciparumP. vivax trên toàn cầu và Việt Nam (2006 - 2017).

Phần thảo luận tại Hội thảo rất sôi nổi, xoay quanh các vấn đề về các giải pháp tăng cường chất lượng công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị sốt rét; về giải pháp quản lý ca bệnh và hỗ trợ tuân thủ điều trị sốt rét; đồng thời các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị sốt rét cũng như các ý kiến của các tuyến về chuyên môn và quản lý.

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng - Viện trưởng nhấn mạnh các nội dung mà các đại biểu đã đưa ra trong hội thảo là rất quan trọng, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tế các bác sĩ đã gặp, rút ra bài học kinh nghiệm cho các bác sĩ đang làm công tác điều trị sốt rét tại các tuyền. Đồng thời, Viện trưởng cũng nhắc nhở các bác sĩ về việc chẩn đoán sốt rét cần quan tâm đến yếu tố dịch tễ, khai thác thật kỹ và sâu nếu đối tượng có đi vào vùng SRLH; Việc xét nghiệm sốt rét bằng kính hiển vi cần có đánh giá cụ thể về chất lượng KHV và kỹ thuật viên xét nghiệm trong tình hình nhân sự thay đổi rất nhiều như hiện nay (do sáp nhập các đơn vị); Về điều trị những ca bệnh quay lại sau 14 ngày cần dựa trên cụ thể từng bệnh nhân để có quyết định điều trị mới hay thay đổi thuốc, thay phác đồ điều trị; Việc điều trị những ca kháng thuốc còn gặp nhiều khó khăn do chưa có thuốc mới. Đề nghị sớm đưa thuốc đang nghiên cứu có hiệu quả tốt tại Bình Phước vào điều trị; Về quản lý ca bệnh cần phối hợp với cơ sở điều trị, chia sẻ thông tin bệnh nhân cho hệ dự phòng để quản lý và báo cáo kịp thời tiến tới giai đoạn loại trừ sốt rét.

Một số hình ảnh đại biểu trình bày báo cáo và phát biểu tham luận tại Hội thảo

ThS. Nguyễn Thị Yến