Hội thảo Việt Nam - Israel về bệnh sốt rét, Zika và sốt xuất huyết

Ngày 08/ 05/ 2018 tại Bộ Khoa học và Công nghệ thường trực, Hà Nội. Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo chung Việt Nam- I-xra-en về: “Chẩn đoán lâm sàng, điều trị và dự phòng các bệnh truyền qua véc-tơ: tập trung vào bệnh sốt rét, Zika và Sốt xuất huyết”.

Mục đích của hội thảo nhằm xây dựng Diễn đàn kết nối, trao đổi học thuật và tìm hiểu lẫn nhau giữa các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ, qua đó tạo tiền đề cho việc hợp tác xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa hai nước.

Hội thảo đã chia sẻ những thông tin về sinh học phân tử, miễn dịch từ đại diện các Viện nghiên cứu, Trường Đại học của I-xra-en và Việt Nam.

Một số nội dung nổi bật trong phần chia sẻ của đại diện Israel:

  • Nghiên cứu tạo chế phẩm ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách sử dụng chất chặn thụ thể về mùi của muỗi bôi lên da người. Nghiên cứu này mục đích là tìm một loại hóa chất với bản chất là protein để khóa thụ thể tiếp nhận mùi: OR2, OR10, OR8 trên muỗi. Hóa chất ức chế tạm được đặt tên là “SMR1” thể hiện khả năng xua muỗi từ khoảng cách rất xa trong khi hóa chất DEET (chuẩn vàng) có hiệu quả xua nhỏ hơn 50cm. Nghiên cứu vẫn đang giai đoạn hoàn thiện với mong muốn tìm ra hóa chất xua muỗi từ khoảng cách xa;
  • Nghiên cứu về tính gây bệnh, độc lực và phát hiện kháng ở ký sinh trùng sốt rét: trong phần trình bày này nội dung đáng lưu ý là các tác giả nghiên cứu một đoạn peptide có cấu trúc tương tự DNA hoặc RNA và được gắn thêm FIT-probe tạm gọi cấu trúc này là “FIT-PNA” để phát hiện đột biến điểm trên gene K13 gây kháng thuốc và FIT-PNA này như là một ứng cử viên trong phân biệt kháng và nhạy ở ký sinh trùng sốt rét;
  • Những thách thức và khó khăn tìm ẩn trong chẩn đoán nhiễm Zika và Dengue: trong nội dung này phương pháp nhạy nhất trong phát hiện Zika virus là RT- PCR nhằm phát hiện RNA virus trong máu toàn phần, bằng phương pháp này trong chẩn đoán Dengue virus thì cần phải nghiên cứu thêm, phương pháp ELISA phát hiện kháng thể kháng protein NS1 ở Zika virus và Dengue virus thì rất hữu ích trong ngăn phản ứng chéo với nhóm các virus RNA khác;
  • Xét nghiệm huyết thanh học Zika dựa trên NS1 dùng hệ thống công nghệ hạt từ cho độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Về phía Việt Nam, có những chia sẻ về:

  • Tổng quan về dịch tễ học phân tử của sốt rét, tập trung vào các gene kháng thuốc và trình tự các gene kháng thuốc: Phần trình bày đã thống kê được các đặc điểm về dịch tễ học phân tử của ký sinh trùng sốt rét, tính đa hình gene của quần thể ký sinh trùng sốt rét ở Việt Nam. Thống kê tỷ lệ phần trăm phát hiện đột biến trên gene K13 trong cả nước từ năm 2010- 2016. Trong năm 2017 có một vài báo cáo ở Campuchia và một vài vùng khác có kháng artemisinin nhưng không có đột biến trên gene K13. Phần trình bày cũng kết luận: để xác định kháng thuốc phải kết hợp invivo, invitro và phương pháp sinh học phân tử, có thể giải trình tự toàn bộ gene ký sinh trùng sốt rét là công cụ tiềm năng nhất trong việc nghiên cứu tính kháng;
  • Tổng hợp về tình hình và số trường hợp phát hiện kháng thuốc ở Việt Nam với một số ý nổi bật: Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với ký sinh trùng sốt rét ở ngày D3 >10% xác định được ở 6 tỉnh thành, tỷ lệ dương tính với KST SR ngày D3 đã tăng ở một vài tỉnh thành từ năm 2009, 63% trường hợp điều trị trễ thì thất bại và đa kháng được phát hiện ở Bình Phước;
  • Về nội dung Zika virus và Dengue virus có các trình bày mang tính tổng quan như: năm phát hiện, dịch tễ, chẩn đoán, triệu chứng cũng như phương pháp chẩn đoán D- RT- PCR có độ nhạy trong chẩn đoán 2 loại virus này là 10 bản copy trong 1 tube phản ứng, với các phần trình bày của: Dịch tễ học phân tử/ dịch tễ học của virus Zika tại Việt Nam; Tình hình và việc chẩn đoán virus gây bệnh sốt xuất huyết và Zika tại Việt Nam; Giá trị lâm sàng trong việc sử dụng duplex RT- PCR để phát hiện đồng thời vi rus Dengue và Zika tại khoa cấp cứu; Đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh do Dengue.

ThS. Phạm Nguyễn Thúy Vy, ThS. Ngô Thị Hồng Phương