Sau những phản hồi của người dân về việc phát hiện bọ xít hút máu người tại số nhà 31-33 đường 19, Phường Thịnh Mỹ Lợi, Q2, TP. HCM. Sau nhiều lần bị một loài côn trùng lạ cắn, thông qua báo chí anh Lương Chánh Tòng đã bắt được một số mẫu côn trùng và mang đến Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM để được tư vấn và xác định rõ về loài côn trùng mà anh Tòng đã phát hiện trong nhà của mình.
Sau khi nhận được mẫu côn trùng do anh Tòng mang đến, cán bộ Khoa Côn trùng của Viện đã xác định đó có thể là loài bọ xít hút máu có tên khoa học là Triatoma rubrofasciata đang trong giai đoạn thiếu trùng (nymph). Ngày 22/07/2013, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã cử đoàn cán bộ đến hiện trường tại gia đình anh Tòng để điều tra và làm rõ, qua điều tra đã thu được các cá thể nhỏ (giai đoạn thiếu trùng) và trứng. Tuy nhiên, không phát hiện được cá thể trưởng thành. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi thêm trước khi khẳng định đây là ổ bọ xít hút máu.
Điều tra tại thực địa
Hầu hết, những người trong gia đình anh Tòng bị loài côn trùng này cắn đều có biểu hiện ngoài da như sưng đỏ, tím bầm. Đặc biệt là trẻ em (con anh Tòng) bị sốt nhẹ một đến hai ngày thì khỏi.
Cũng trong tháng 07/2013, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã nhận được sự phản ảnh của người dân từ nhiều quận trên địa bàn TP. HCM (Quận Gò Vấp, Quận 7, Quận 8, Quận Bình Tân…). Hầu hết trong gia đình của những người này đều có người bị cắn và bắt được cá thể bọ xít hút máu trưởng thành được xác định cùng loài là Triatoma rubrofasciata.
Tại Việt Nam, đến nay các nhà khoa học chưa có cơ sở để khẳng định rằng loại côn trùng này truyền bệnh gây nguy hiểm đến sức khỏe con người hay không, cũng chưa phát hiện trường hợp nào bị bọ xít hút máu nhiễm bệnh Chagas nhưng mọi người cũng không nên chủ quan, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh các kho chứa đồ trong nhà. Điểm đặc biệt của loài bọ xít hút máu người là rất ưa những nơi có vật liệu xây dựng cũ… Chính vì vậy, chúng thường xuất hiện ở nhà kho cũ, công trường xây dựng, những nơi ít người qua lại…
CN. Mai Đình Thắng