WHO tuyên bố kết quả cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban Khẩn cấp IHR về đại dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi

Ngày 08/8/2014, WHO tuyên bố kết quả cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban Khẩn cấp về Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) liên quan đến đại dịch Ebola tại Tây Phi. Cuộc họp do Tổng Giám đốc WHO triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế (2005), được tổ chức trực tuyến vào buổi chiều các ngày 06 và 07/8/2014.


Các thành viên và cố vấn Ủy ban Khẩn cấp đã gặp qua điện thoại ở cả hai ngày phiên họp. Các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria tham gia cung cấp thông tin về tình hình dịch Ebola vào chiều ngày 06/8.

Ủy ban đánh giá: đại dịch Ebola ở Tây Phi tạo nên “sự kiện bất thường” và gây ra nguy cơ sức khỏe cho cộng đồng các quốc gia khác; độc lực của virus và mô hình lây nhiễm trong cộng đồng cũng như tại cơ sở y tế ngày càng mạnh mẽ cùng với hệ thống y tế yếu kém ở các quốc gia đang bị ảnh hưởng và quốc gia có nguy cơ cao sẽ có thể dẫn đến sự lây lan quốc tế nghiêm trọng; và do đó, cần phải có sự phối hợp phản ứng quốc tế để ngăn chặn đẩy lùi sự lây lan dịch bệnh.

Bệnh do virus Ebola (EVD) bắt đầu từ Guinea vào tháng 12/2013. Hiện tại dịch bùng phát và lây nhiễm ở Guinea, Liberia, Nigeria, và Sierra Leone. Đây là đại dịch EVD lớn nhất từng được ghi nhận. Đại dịch này tạo ra những thách thức cho các nước bị ảnh hưởng:

- hệ thống y tế yếu kém cùng với sự thiếu hụt đáng kể nguồn nhân lực, tài chính và vật tư, dẫn đến thiếu khả năng thực hiện đầy đủ các phản ứng kiểm soát dịch bệnh;

- đa số thiếu kinh nghiệm trong việc đối phó với dịch Ebola và nhận thức sai về bệnh (bao gồm cách lây truyền bệnh thế nào); đây tiếp tục là một thách thức lớn trong một số cộng đồng;

- mức độ di dân cao và một số trường hợp di chuyển xuyên biên giới của các du khách bị nhiễm;

- nhiều thế hệ lây truyền đã xảy ra tại ba thành phố thủ đô của Conakry (Guinea); Monrovia (Liberia) và Freetown (Sierra Leone); và

- một lượng lớn ca bệnh đã xảy ra ở các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe, cho thấy việc thiếu thực hành kiểm soát lây nhiễm ở nhiều cơ sở.

Thông qua cuộc họp, Ủy ban đã đưa ra các tư vấn hướng đến việc xử lý và ngăn chặn sự lây lan dịch Ebola theo IHR (2005) trên phạm vi toàn cầu áp dụng cho tất cả các nước.

Các quốc gia có lây nhiễm Ebola

Các nguyên thủ quốc gia phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia; đích thân toàn tâm toàn ý giải quyết việc quốc gia để cung cấp thông tin về tình hình, các bước thực hiện để giải quyết các ổ dịch và làm rõ vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo đảm kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh, cung cấp nguồn tài chính khẩn cấp để bắt đầu và duy trì hoạt động ứng phó và đảm bảo tất cả các biện pháp động viên, khen thưởng thiết yếu cho lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Y tế và những người đứng đầu cơ quan y tế đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc điều phối và thực hiện các biện pháp ứng phó Ebola khẩn cấp, trong đó có việc gặp gỡ thường xuyên các cộng đồng bị ảnh hưởng và đề xuất chuyến đi thực địa đến các trung tâm điều trị.

Kích hoạt cơ chế quản lý thảm họa/khẩn cấp quốc gia; đồng thời, thiết lập trung tâm hoạt động khẩn cấp, thuộc thẩm quyền của người đứng đầu Nhà nước, phối hợp hỗ trợ với các đối tác ở các mặt thông tin, an ninh, tài chính và các lĩnh vực khác có liên quan, để đảm bảo năng lực giám sát các biện pháp kiểm soát Ebola một cách toàn diện và thực hiện có hiệu quả. Các biện pháp này bao gồm: kiểm soát và phòng chống lây nhiễm (IPC), nâng cao nhận thức cộng đồng, giám sát, xét nghiệm chẩn đoán chính xác trong phòng thí nghiệm, quá trình tiếp xúc và theo dõi, quản lý hồ sơ, truyền đạt thông tin kịp thời và chính xác giữa các nước. Đối với tất cả các khu vực bị nhiễm và có nguy cơ cao, cơ chế tương tự nên được thiết lập tại các tiểu bang/tỉnh và các cấp địa phương để đảm bảo phối hợp chặt chẽ ở tất cả các cấp.

Nỗ lực kêu gọi cộng đồng cùng nhau tham gia vào phòng chống dịch, nhận thức đầy đủ về lợi ích của điều trị sớm, thể hiện vai trò trung tâm trong việc xác định ca bệnh, quá trình tiếp xúc và giáo dục nguy cơ; thông qua những người đứng đầu địa phương, tôn giáo, bản làng và những người chữa bệnh.

Thiết lập mạng lưới hỗ trợ đảm bảo hàng hóa y tế đầy đủ (nhất là thiết bị bảo hộ cá nhân PPE) và có sẵn cho: nhân viên y tế, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, nhân viên vệ sinh, nhân viên mai táng và những người khác có thể tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc các thiết bị bị nhiễm.

Trong khu vực lan truyền với cường độ cao, phải thực hiện kiểm dịch, đồng thời, cung cấp chất lượng chăm sóc lâm sàng, các tài liệu và hỗ trợ tâm lý xã hội cho người dân bị ảnh hưởng.

Đảm bảo an ninh, an toàn; kịp thời thanh toán tiền lương, phụ cấp nguy hiểm; đào tạo tập huấn thích hợp về IPC (trong đó có việc sử dụng thích hợp PPEs) cho nhân viên y tế.

Thiết lập trung tâm điều trị và phòng thí nghiệm chẩn đoán nằm gần khu vực lan truyền với sự đảm bảo đủ số lượng nhân viên được đào tạo, thiết bị, vật tư liên quan; đảm bảo sự an toàn cho nhân viên và bệnh nhân được điều trị kịp thời, tốt nhất có thể.

Tiến hành sàng lọc các đối tượng tại các sân bay quốc tế, cảng biển và các cửa khẩu biên giới có biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân phù hợp với khả năng nhiễm Ebola. Các sàng lọc tối thiểu bao gồm: bảng hỏi, hệ thống đo nhiệt độ, và đánh giá về nguy cơ sốt là do EVD (nếu có sốt). Người nào có biểu hiện bệnh phù hợp với EVD, nếu không phải là yêu cầu sơ tán y tế, thì không được phép rời khỏi quốc gia.

Cấm người tiếp xúc hoặc nhiễm Ebola du lịch quốc tế (trừ khi đó là sơ tán y tế thích hợp để giảm thiểu nguy cơ lây lan EVD):

- Cách ly ngay lập tức và tiến hành điều trị ca bệnh tại trung tâm điều trị Ebola không có du lịch quốc gia và quốc tế cho đến khi có kết quả 2 xét nghiệm chẩn đoán Ebola (tiến hành ít nhất 48 giờ) là âm tính;

- Tiếp xúc (không kể các nhân viên y tế được bảo vệ đúng cách và nhân viên phòng thí nghiệm không có phơi nhiễm do không được bảo vệ) cần được theo dõi hàng ngày, với du lịch quốc gia được hạn chế và không có du lịch quốc tế cho đến 21 ngày sau khi phơi nhiễm;

- Cách ly ngay trường hợp có thể và nghi nhiễm, và giới hạn việc đi lại của họ theo phân loại hoặc là nhiễm hoặc là tiếp xúc.

Việc mai táng được tiến hành bởi các nhân viên được đào tạo tốt, và phù hợp với các quy định y tế quốc gia, đảm bảo dự phòng tình huống lây nhiễm Ebola cho người tham dự lễ tang. Cấm vận chuyển thi thể người đã khuất chưa rõ nguyên nhân (có thể hoặc đã nhiễm EVD) qua biên giới trừ khi đảm bảo quy định an toàn sinh học quốc tế công nhận.

Cung cấp và hướng dẫn sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp có sẵn cho các đội bay và nhân viên các hãng hàng không hoạt động trong nước, nhằm quản lý hành khách có triệu chứng theo IHR (2005).

Xem xét việc trì hoãn cuộc tụ họp đông đúc cho đến khi lan truyền EVD bị gián đoạn.

Các quốc gia đã có ca nhiễm hoặc có tiềm ẩn nhiễm Ebola, và các quốc gia không bị ảnh hưởng có biên giới đất liền giáp với các quốc gia bị ảnh hưởng

Các nước không bị ảnh hưởng có biên giới đất liền giáp với nước có lan truyền Ebola cần khẩn trương thực hiện giám sát các nhóm sốt không rõ nguyên nhân hoặc tử vong do sốt cao, thiết lập tiếp cập xét nghiệm chẩn đoán EVD đủ điều kiện, đảm bảo rằng nhân viên y tế hiểu biết và được đào tạo về quy trình IPC phù hợp; và thành lập đội phản ứng nhanh có năng lực điều tra, quản lý các trường hợp nhiễm EVD và có khả năng tự quản lý việc tiếp xúc với ca nhiễm.

Các trường hợp mới đã xác nhận hoặc nghi nhiễm, trường hợp tiếp xúc, trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân hay là do sốt nên được xem là trường hợp khẩn cấp y tế, và cần thực hiện ngay các bước điều tra và ngăn chặn tiềm năng bùng phát Ebola trong vòng 24 giờ đầu tiên bằng cách tiến hành quản lý ca, thiết lập chẩn đoán xác định và thực hiện truy nguyên và theo dõi tiếp xúc.

Nếu lây truyền Ebola được xác nhận là xảy ra trong nước, cần thực hiện đầy đủ các kiến nghị đối với các nước có lây nhiễm Ebola, ở cấp độ quốc gia cũng như địa phương, tùy vào dịch tễ và tình hình nguy cơ.

Tất cả các quốc gia

Không khuyến khích lệnh cấm chung về du lịch, thương mại quốc tế, chỉ hạn chế việc đi lại của các trường hợp nhiễm và có tiếp xúc với EVD.

Với những du khách đến khu vực bị ảnh hưởng và có nguy cơ Ebola, cần cung cấp thông tin liên quan về các nguy cơ, các biện pháp giảm thiểu nguy cơ, và tư vấn cách quản lý phơi nhiễm tiềm ẩn cho họ.

Chuẩn bị cho việc phát hiện, điều tra, và quản lý các trường hợp Ebola, bao gồm: đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán EVD đạt yêu cầu và sẽ được tiến hành một cách phù hợp, đảm bảo năng lực quản lý du khách đến từ khu vực có nhiễm Ebola và có biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân tại các sân bay quốc tế, cửa khẩu biên giới.

Cung cấp chính xác các thông tin liên quan về các ổ dịch Ebola và các biện pháp làm giảm nguy cơ phơi nhiễm đến công chúng.

Chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán và hồi hương của công dân (ví dụ, nhân viên y tế) đã có tiếp xúc với Ebola.

Ủy ban nhấn mạnh: việc thực hiện và giám sát hiệu quả các đề xuất trên chịu ảnh hưởng quan trọng bởi sự tiếp tục hỗ trợ của WHO, các đối tác quốc gia và quốc tế.

Dịch Ebola ở Tây Phi được Ủy ban đánh giá là Khẩn cấp Y tế Công cộng Liên quan Quốc tế (PHEIC). Các khuyến nghị của Uỷ ban nhằm giảm sự lây lan quốc tế của Ebola đã được Tổng Giám đốc WHO thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2014 và sẽ được đánh giá lại trong vòng 3 tháng tới.

Nguyễn Thị Hồng Mến
(lược dịch)

Nguồn: WHO Statement on the Meeting of the International Health Regulations Emergency Committee Regarding the 2014 Ebola Outbreak in West Africa, http://who.int/mediacentre/news/statements/2014/ebola-20140808/en/.