Phơi nhiễm với DDT từ trong bụng mẹ có nguy cơ ung thư vú gấp bốn lần

Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Hiệp hội nội tiết của Clinical Endocrinology & Metabolism (JCEM): Những người phụ nữ đã từng phơi nhiễm với thuốc diệt côn trùng DDT ở mức cao ngay từ trong bụng mẹ sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú gấp 4 lần so với những người phơi nhiễm ở mức độ thấp hơn.


Nhiều dạng kháng estrogen (estrogenic) của DDT đã được tìm thấy trong các chế phẩm thương mại của DDT, o, p’-DDT chịu trách nhiệm chính trong phát hiện này.

Mặc dù bị cấm bởi nhiều quốc gia trong thập niên 1970, nhưng DDT vẫn còn tồn tại phổ biến trong môi trường và tiếp tục được sử dụng ở châu Phi và châu Á. Nhiều phụ nữ bị phơi nhiễm từ lúc họ còn trong bụng mẹ trong những năm 1960, khi thuốc diệt côn trùng được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ. Đến nay, họ đã đạt tới độ tuổi có nguy cơ ung thư vú cao.

DDT là một trong những chất gây rối loạn nội tiết được công nhận đầu tiên, do Hiệp hội Nội tiết và IPEN công bố. DDT và các thuốc diệt côn trùng liên quan có thể bắt chước và gây ảnh hưởng tới chức năng của estrogen. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy phơi nhiễm với DDT liên quan với dị tật bẩm sinh, giảm khả năng sinh sản và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Tiến sĩ Barbara A. Cohn - một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này thực hiện trong 54 năm, lần đầu tiên cung cấp bằng chứng trực tiếp rằng sự phơi nhiễm hóa chất ở phụ nữ mang thai có thể có hậu quả lâu dài cho con gái của họ trong nguy cơ ung thư vú”. Ông còn giải thích thêm: “Hóa chất trong môi trường từ lâu đã bị nghi ngờ là nguyên nhân của bệnh ung thư vú, nhưng cho đến nay, chỉ có vài nghiên cứu ở người để ủng hộ cho ý tưởng này”.

Nghiên cứu bệnh - chứng (case - control) là một triển vọng, sau khi theo dõi các con gái của những người phụ nữ tham gia trong nghiên cứu Sức khỏe và sự Phát triển trẻ em (Child Health and Development Studies - CHDS) trong 54 năm, bắt đầu từ khi họ còn trong bụng mẹ. CHDS nghiên cứu 20.754 phụ nữ có thai là thành viên của Chương trình sức khỏe của quỹ Kaiser (Kaiser Foundation Health Plan) từ năm 1959 kéo dài suốt tới năm 1967. Những người tham gia CHDS đã sinh được 9.300 trẻ gái trong khoảng thời gian này.

Đối với phân tích công bố tại JCEM, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các hồ sơ quốc gia và cuộc điều tra ở những người con gái đã trưởng thành của những người tham gia CHDS để xác định bao nhiêu người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú ở tuổi 52. Để xác định mức độ tiếp xúc DDT từ trong bụng mẹ, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu được lưu trữ từ CHDS để đo lường mức độ DDT trong máu của bà mẹ trong thời kỳ mang thai hoặc ngay lập tức sau khi nhận được mẫu. Các nhà nghiên cứu đo nồng độ DDT ở các bà mẹ của 118 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Các nhà khoa học đã xác định 354 người con gái đã không mắc bệnh ung thư vú làm nhóm chứng và xét nghiệm máu của mẹ họ để so sánh.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong mối quan hệ độc lập với tiền sử mắc bệnh ung thư vú của người mẹ, nồng độ o, p'-DDT trong máu của người mẹ cao có liên quan với sự gia tăng gần gấp bốn lần nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của con gái. Trong số những người phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư vú, 83% có thụ thể estrogen dương tính ung thư vú (estrogen - receptor positive breast cancer), một dạng ung thư có thể nhận tín hiệu từ các hormone estrogen để thúc đẩy sự tăng trưởng của khối u.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định rằng việc phơi nhiễm với nồng độ o, p'-DDT cao hơn có mối liên quan với những phụ nữ bị chẩn đoán bệnh ung thư giai đoạn nặng. Ngoài ra, các nhà khoa học tìm thấy những phụ nữ có tiếp xúc nhiều hơn với o, p'-DDT có nhiều khả năng phát triển HER2 - ung thư vú dương tính (positive breast cancer), nơi các tế bào ung thư có đột biến gen sản xuất ra một lượng lớn protein đặc biệt. Nghiên cứu cơ bản nơi mà các tế bào ung thư vú đã tiếp xúc với DDT đã phát hiện thuốc diệt côn trùng kích hoạt các protein HER2.

Nghiên cứu này mở ra định hướng mới trong việc tìm kiếm và kiểm soát các nguyên nhân gây ung thư vú từ môi trường, có tác động từ trong bụng mẹ. Kết quả của nghiên cứu này cũng góp phần thúc đẩy các nghiên cứu về lâm sàng và cận lâm sàng để tìm ra biện pháp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư vú ở nhiều thế hệ phụ nữ do phơi nhiễm DDT từ trong bụng mẹ. Các nhà khoa học cũng đang tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của các hóa chất khác đến nguy cơ ung thư vú.

CN. Nguyễn Thị Mộng Siêng
Dịch từ: http://www.sciencedaily.com/releases/2015/06/150616131530.htm