“Nhốt” ký sinh trùng bên trong tế bào ký chủ để chống lại bệnh sốt rét

Tạp chí ScienceDaily (12-4-2009) – Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Pennsylvania đã phát hiện rằng ký sinh trùng sốt rét “bắt cóc” các protein của tế bào ký chủ để duy trì sự sống sót và sinh


Tiến sĩ Greenbaum nói: “Các nhà nghiên cứu ngày nay có thể phát triển những cách diệt ký sinh trùng bằng cách đặt các vật cản trên con đường mà chúng dùng để làm hại bệnh nhân”. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ký sinh trùng sốt rét phải phụ thuộc vào enzym mà chúng đã lấy từ tế bào ký chủ thì mới có thể gây nhiễm thành công. Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra các phương pháp nhằm ngăn cản ký sinh trùng xâm nhập tế bào ký chủ, nhóm của Greenbaum lại hướng tới một cách tiếp cận khác: “nhốt” ký sinh trùng bên trong tế bào ký chủ.

Các nghiên cứu bắt đầu với Plasmodium falciparum – ký sinh trùng gây ra thể sốt rét nguy hiểm nhất ở người, mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh (CDC) báo cáo có 350 triệu đến 500 triệu ca bệnh sốt rét trên toàn thế giới, làm chết hơn một triệu người. Với sự cộng tác của phòng thí nghiệm đại học Pennsylvania, các nhà khoa học đã mở rộng thêm hướng nghiên cứu với Toxoplasma gondii, tác nhân gây bệnh toxoplasmosis, nguyên nhân chính của các dị tật bẩm sinh.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng ký sinh trùng đã tự sản xuất ra những enzym protease cần thiết cho quá trình thoát ra khỏi hồng cầu nhiễm. Nghiên cứu này cho thấy ký sinh trùng đã sử dụng chính các protease của tế bào ký chủ.

Do Plasmodium và Toxoplasma giết các tế bào bị nhiễm nên chúng phải di chuyển liên tục từ tế bào này sang tế bào khác để tồn tại và phát triển. Khi ký sinh trùng thoát ra khỏi tế bào chủ, chúng bẻ gãy màng lưới bộ khung protein, phá vỡ cấu trúc tế bào. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được ký sinh trùng sử dụng loại protein nào để phá vỡ thành tế bào.

Để quan sát hoạt động của P. falciparum, nhóm nghiên cứu đã gây nhiễm ký sinh trùng này vào hồng cầu người và sau đó qua các chứng cứ dược lý và sinh học đã phát hiện rằng ký sinh trùng kích hoạt protease calpain-1 của tế bào ký chủ. Nếu ức chế hay loại bỏ calpain-1, một protease điều hòa can xi, thì ký sinh trùng sẽ bị “nhốt” trong tế bào ký chủ. Nếu bổ sung calpain-1 lại vào trong tế bào thì ký sinh trùng sẽ thoát ra ngoài.

Nghi ngờ rằng T. gondii cũng có thể dùng tiến trình tương tự, tiến sĩ Greenbaum đã phối hợp với tiến sĩ Roos gây nhiễm các nguyên bào sợi của chuột với T. Gondii, nhóm nghiên cứu đã dùng kỹ thuật di truyền để loại bỏ và sau đó phục hồi hoạt tính của calpain. Họ phát hiện ra rằng nếu thiếu calpain, ký sinh trùng không thể thoát ra khỏi tế bào bị nhiễm, giống như kết quả quan sát được đối với ký sinh trùng sốt rét.

Trong 40 năm qua, bệnh sốt rét ngày càng kháng với các loại thuốc sốt rét mà trước đó đã khống chế được căn bệnh nguy hiểm này. Việc sử dụng thuốc hướng tới các protein của tế bào ký chủ thay vì sử dụng thuốc cho ký sinh trùng có thể làm ký sinh trùng ít có khả năng kháng thuốc hơn vì ký sinh trùng không có khả năng kiểm soát các protein của tế bào ký chủ về mặt di truyền. Các nhà nghiên cứu dự kiến tiếp tục tìm hiểu thêm khả năng của calpain trong vai trò là đích nhắm đến của các loại thuốc diệt ký sinh trùng.