Kết quả kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại tỉnh Tây Ninh

Thực hiện Quyết định số 4005/QĐ-BYT ngày 28/9/2015 của Bộ Y tế về việc kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác SXH, ngày 07/10/2015, Đoàn công tác gồm các cán bộ Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM, Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM do Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM làm trưởng đoàn đã đến tỉnh Tây Ninh thực hiện công tác:

- Làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch từ tuyến tỉnh đến tuyến xã của địa phương về việc triển khai các hoạt động tăng cường PCSXH.

- Kiểm tra công tác triển khai dập dịch SXHD tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm (diệt lăng quăng, phun hóa chất, hoạt động của CTV, truyền thông, kinh phí, vật tư hóa chất và các điều kiện triển khai hoạt động).

- Kiểm tra công tác khám, chữa bệnh SXHD tại cơ sở điều trị.

- Kiểm tra các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe của địa phương.

Đoàn công tác làm việc với ban phòng chống dịch tỉnh Tây Ninh

1. Tình hình SXH và hoạt động phòng chống SXH tại các tuyến

1.1. Tình hình bệnh SXH 9 tháng năm 2015

- Bệnh nhân SXH:

+ Có 720 ca SXH, tăng 14,81% so cùng kỳ 2014 (631 ca)
+ Huyện có số ca mắc cao là Tân Châu (163 ca), Gò Dầu (92), Tân Biên (80 ca), TP.Tây Ninh (71 ca), Hòa Thành (61 ca).

+ Có 163 ổ dịch (xảy ra ở 9 thị trấn/ huyện/thành phố), đã xử lý 161 đạt 98,8%.

+ Không có ca tử vong.

- Giám sát huyết thanh và phân lập virút Dengue:

+ Số mẫu làm Mac-Elisa (74/159 mẫu); phân lập vi rút Dengue (36/139 mẫu).

+ Có 4 type virus D1, D2, D3, D4; trong đó D1và D4 chiếm ưu thế.

- Về giám sát véc tơ:

+ Điều tra định kỳ hàng tháng chỉ số mật độ muỗi DI & BI biến động rõ rệt tăng cao vào những tháng mùa mưa.

+ Tất cả các huyện/ thị đều có mật độ muỗi tăng cao.

+ Hoạt động giám sát véc tơ của địa phương chưa đạt yêu cầu chuyên môn.

1.2. Nhân lực phụ trách công tác SXH:

- Tuyến tỉnh: 03 CB chuyên trách dịch tễ và 02 CB chuyên trách côn trùng SXH.

- Tuyến huyện/thành phố: 09 cán bộ chuyên trách SXH

- Tuyến xã/phường: Có 95 cán bộ chuyên trách SXH

1.3. Kinh phí, vật tư, hóa chất phòng chống dịch

- Kinh phí 499.000.000đ từ chương trình cấp và 506.000.000đ do tỉnh hỗ trợ.

- Hóa chất, vật tư: chủ yếu từ chương trình Dự án PCSXH và tỉnh mua.

+ Đã sử dụng 328 lít (Hantox 200 và Permethrin 50EC) số hóa chất tồn tại tỉnh là 30 lít. Dự kiến hóa chất sẽ thiếu để triển khai phun tiếp và dự phòng khoảng 200 lít.

- Máy phun ULV:

+ Tại tỉnh còn 13 cái (5 Still, 8 Fontan); máy phun lớn: 01 cái.

+ Tại huyện còn 24 cái (13 Still, 23 Fontan, máy khác 42).

1.4. Hoạt động của địa phương

- Có xây dựng kế hoạch hoạt động PCSXH và phân bổ kinh phí tuyến cơ sở; Có thành lập BCĐ Phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm trên người.

- Đã tổ chức tập huấn công tác PCSXH cho cán bộ địa phương:

+ 02 lớp: Nâng cao kỹ năng điều trị SXH (66 người)

+ 02 lớp: Nâng cao kỹ năng chăm sóc bệnh nhân SXH (54 học viên)

+ 01 lớp: Giám sát dịch tễ và phương pháp xử lý ổ dịch (40 học viên)

+ 09 lớp: Kiến thức PC SXH cho đội ngũ CTV 09 xã điểm (505 học viên)

+ 02 lớp: Kỹ năng giám sát và phương pháp xử lý ổ dịch (48 học viên)

+ 04 lớp: Chẩn đoán và điều trị SXH (367 học viên).

- Hoạt động giám sát véc tơ của địa phương cho thấy các chỉ số côn trùng đều tăng cao và nhất là những tháng mùa mưa tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Trảng Bàng, TT Gò Dâu, Huyện Bến Cầu, TP. Tây Ninh, Hòa Thành, Châu Thành (BI > 50).

- Hoạt động của CTV tại 5 xã điểm: hiệu quả chưa cao. Qua báo cáo của tỉnh, các chỉ số lăng quăng trong các hộ dân luôn cao hơn so với xã không có CTV.

- Thành lập đoàn giám sát: Tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động PCSXH tại 9 huyện, thị trấn, thành phố (về kế hoạch phòng chống SXH, giám sát dịch tễ, thống kê báo cáo). Kiểm tra khu công nghiệp của tỉnh chỉ thực hiện được 1/2 đơn vị (khu công nghiệp Trảng Bàng không cho đoàn y tế vào).

- Chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn tỉnh

+ 2 Đợt: Từ tháng 7 - 8/2015, số huyện/TP thực hiện: 9/9; đã thực hiện tại 9 phường, xã có điểm nóng về SXH, số xã còn lại đang tiếp tục triển khai.
- Hoạt động xử lý ổ dịch: có 163 ổ dịch ở 95 xã, phường, thị trấn của 9 huyện/ thị/ thành phố. Đã xử lý 161 ổ dịch đạt 98,77% (02 ổ dịch còn lại không xử lý do không rõ địa chỉ bệnh nhân).

- Phun dập dịch diện rộng và phun hóa chất chủ động:

+ Tỉnh chưa triển khai phun hóa chất dập dịch diện rộng trên địa bàn vì chưa có huyện đạt tiêu chí dập dịch diện rộng theo quy định.

+ Đã triển khai phun hóa chất chủ động tại 9 xã/phường đáp ứng tiêu chí là nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch và có ca bệnh kéo dài trên địa bàn.

Đoàn công tác làm việc với TTYT thành phố Tây Ninh

1.5. Tại cộng đồng

- Làm việc với TTYT thành phố Tây Ninh: Thành phố có 10 phường, xã. Hiện tại đang lắp đặt hố xi măng xử lý thoát nước trên các con đường của thành phố, các hố này tạo ra các ổ chứa nước có thể là chỗ sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh SXH ở TP này.

+ Tình hình bệnh SXH đến tuần 40, số ca mắc là 78 tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014 (41 ca), xử lý ổ dịch 10, tăng 30% với cùng kỳ năm 2014 (7 ổ dịch).

+ Thực hiện giám sát thường xuyên tại 02 điểm Phường Hiệp Ninh và Phường Ninh Sơn, các chỉ số côn trùng tăng vào những tháng mùa mưa.

+ Thực hiện 02 đợt chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất chủ động tại phường trọng điểm.

+ Kinh phí hoạt động SXH 88.470.000đ. Thành phố chưa có hỗ trợ.
- Làm việc với Trạm Y tế Phường Ninh Thạnh và đi kiểm tra thực địa tại khu phố Ninh Phúc, Ninh Hòa:

+ Số ca mắc tính đến tuần 40 là 03, không thực hiện xử lý ổ dịch và phun dập dịch chủ động.

+ Giám sát véc tơ định kỳ tại 02 ấp, Ấp Ninh Đức và Ấp Ninh Hòa, các chỉ số côn trùng không cao (BI≤ 20, DI<1), y tế phường thực hiện truyền thông, tiến hành diệt lăng quăng tại các hộ gia đình.

+ Kiểm tra 06 hộ dân, có 5/6 hộ các dụng cụ có lăng quăng

Hình 3. Đoàn công tác kiểm tra bọ gậy tại các hộ dân ở P. Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh

2. Hoạt động điều trị bệnh nhân SXH:

Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân SXH tại BV tỉnh cho thấy:

- Về tổ chức và nhân lực:

+ Có 02 khoa trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân SXH (khoa Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực).

+ Nhân lực: 14 bác sỹ, điều dưỡng 52. Tất cả các bác sĩ và điều dưỡng của 2 khoa đã được tập huấn chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXHD.

- Về thu dung điều trị:

+ Tổng số bệnh nhân SXHD điều trị nội trú từ 1/1/2015 đến 07/10/2015 là: 528 bệnh nhân. Trong đó: SXHD 424 ca (trẻ em139, người lớn 185), SXHD có dấu hiệu cảnh báo 92 ca (trẻ em 32, người lớn 60), SXHD nặng 12 ca (trẻ em 09, người lớn 03).

- Hoạt động chẩn đoán và điều trị SXH:

+ Các thủ thuật hỗ trợ điều trị bệnh nhân SXHD nặng: CVC đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, HA xâm lấn, lọc máu liên tục, chọc tháo dịch màng bụng…

+ Thực hiện được các xét nghiệm giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh: NS1, khí máu động mạch, xét nghiệm đông máu toàn bộ…

+ Có đầy đủ các loại dịch truyền thiết yếu, H.E.S, máu và các chế phẩm máu, tuy tiểu cầu và kết tủa lạnh cần phải có thời gian liên hệ và nhận từ Chợ Rẫy hoặc Trung tâm truyền máu huyết học TP.HCM.

+ Có kế hoạch thu dung, điều trị, phòng chống dịch, quy trình chuyển tiếp, chuyển tuyến đầy đủ, chi tiết và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe cho thân nhân bệnh nhân SXHD.

- Khó khăn, hạn chế:

+ Nhân lực thiếu, nhiều bác sĩ mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chẩn đoán, xử trí SXHD.

+ Một số trang thiết bị còn thiếu: Chỉ có 02 máy đếm giọt tại mỗi khoa điều trị SXHD, máy thở còn thiếu.

+ Giá thu phí cho lọc máu, HAĐM chưa được quy định.

+ Xét nghiệm kháng nguyên (NS1) không được BHYT chi trả nên khó khăn cho quá trình chẩn đoán xác định.

3. Hoạt động truyền thông phòng chống SXH.

- Phóng sự phát trên Đài PT-TH: Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh thực hiện phóng sự về tình hình bệnh SXH tại huyện Tân Châu, Châu Thành và vùng trọng điểm phát trong chương trình Sức khoẻ và Đời sống.

- Nói chuyện trả lời phỏng vấn trên chuyên mục “Sức khỏe đời sống” chương trình “Chào ngày mới” trên đài TH Tây Ninh.

- Xe loa tuyên truyền lưu động: 04 lần phát thông điệp tuyên truyền về cách phòng chống bệnh SXH, các tuyến đường chính của TP. Tây Ninh các huyện như Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên,Tân Châu nhân Ngày ASEAN phòng chống SXH và tháng cao điểm dịch SXH.

- Phát băng đĩa cho các xe tốc hành từ Tây Ninh đi TP HCM và ngược lại các băng đĩa TTGDSK trong đó có dịch bệnh SXH.

- Băng rôn tuyên tuyền: Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng chống dịch SXH.

- Phụ trương trên Báo Tây Ninh: Phòng chống dịch bệnh, trong đó có SXH.

- Nói chuyện sức khoẻ tại cộng đồng (phát tờ rơi trực tiếp): 05 đợt đến các Trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các xã trên địa bàn các huyện theo phương pháp lồng ghép vừa TTGDSK về dịch bệnh vừa tư vấn vấn đề sức khỏe cho nhân dân.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại cộng đồng.

4. Những thuận lợi, khó khăn của địa phương

4.1. Thuận lợi:

Được sự quan tâm chỉ đạo cấp trên của chính quyền các cấp của địa phương hỗ trợ trong các hoạt động của y tế đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh, được sự hỗ trợ về lĩnh vực chuyên môn của các Viện trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh của địa phương.

4.2. Khó khăn:

- Tình hình bệnh SXH tăng cao trên diện rộng (9/9 huyện thị) của tỉnh, mùa mưa vẫn đang tiếp tục.

- Nhân lực hoạt động PC SXH thiếu, thay đổi thường xuyên nên thiếu kinh nghiệm trong điều trị cũng như dự phòng.

- Cơ sở vật chất cho hệ dự phòng và điều trị một số nơi còn thiếu và xuống cấp chưa đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng và phức tạp.

- Cơ sở làm việc và trang thiết bị cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến huyện một số nơi còn hạn chế.

- Chiến dịch diệt lăng quăng chưa triệt để dẫn đến sau chiến dịch ca bệnh vẫn còn dai dẳng.

- Là tỉnh thuộc khu vực đang có bệnh SXH gia tăng, tiếp giáp biên giới và tại TP. Tây Ninh đang lắp đặt hố xi măng xử lý thoát nước có làm cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi.

- Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động cộng đồng PCSXH, đặc biệt là loại trừ lăng quăng tại hộ gia đình.

5. Đánh giá của Đoàn công tác:

Qua làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống SXH tỉnh Tây Ninh và kiểm tra tại thực địa cho thấy:

- Số mắc SXH tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức thấp hơn trung bình các năm 2011 đến nay, đặc biệt không có ca tử vong trên địa bàn.

- Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống SXH, đã thành lập và triển khai hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, đã hỗ trợ nguồn kinh phí tương đối so với đầu tư từ chương trình. Tuy nhiên ở tuyến huyện, thị và xã phường chưa được hỗ trợ.

- Đã chủ động triển khai các hoạt động dập dịch kịp thời không để lan rộng.

- Hoạt động của CTV tại các xã điểm chưa thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ trong hoạt động chương trình PC SXH.

- Nhận định:

Do dịch SXH của các địa phương lân cận cũng như các chỉ số côn trùng đang gia tăng nhất là đang trong những tháng mùa mưa, đồng thời với một số yếu tố liên quan thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát, dự đoán bệnh nhân SXH sẽ tiếp tục tăng, kéo dài và lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Đề nghị của đoàn công tác

- Địa phương cần tổ chức chỉ đạo và triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống SXH. Phân công, giao trách nhiệm cụ thể đối với các tuyến y tế, các đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.

- Sở Y tế tổ chức giám sát, kiểm tra đánh giá và chỉ đạo sát bảo đảm các hoạt động chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3711/QĐ-BYT. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố tăng cường PC SXH, đề nghị hỗ trợ kinh phí PC SXH tuyến cơ sở.

- Trong giai đoạn khống chế dịch hiện nay, nếu xác định ở một thôn, ấp, cụm dân cư có nguy cơ dịch lan rộng, khó kiểm soát, chủ động triển khai mở rộng phun hóa chất trên diện rộng ở các thôn, ấp, cụm dân cư có 2 ca mắc SXHD.

- Tổ chức diệt lăng quăng trước phun và tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống SXH, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường và đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện SXH.

- Đối với xã điểm có CTV phải tập huấn lại cho đội ngũ CTV về kỹ năng phát hiện và các biện pháp xử lý lăng quăng. Đồng thời lập kế hoạch hỗ trợ giám sát và kiểm tra các hoạt động của CTV theo đúng quy định.

- TTYT dự phòng tăng cường hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch tại các điểm đang có nguy cơ dịch bùng phát. Đối với các huyện số ca mắc không cao vẫn phải tăng cường công tác giám sát không nên chủ quan. Tại các xã đang trong giai đoạn phun dập dịch cần chú trọng theo dõi số ca mắc và chỉ số côn trùng chặt chẽ. Tổ chức giám sát các hố ga đang được lắp đặt tại TP.Tây Ninh để có cơ sở chuyên môn đánh giá sự tồn tại và phát triển của lăng quăng trong các hố ga và có biện pháp giải quyết phù hợp.

- Đối với hệ điều trị: Cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho các cán bộ còn ít kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị SXHD. Lập kế hoạch bổ sung các thiết bị thiết yếu cho điều trị SXHD. Đặc biệt máy đếm giọt, máy thở. Tham mưu lập giá phí cho HAĐM, lọc máu, các xét nghiệm có liên quan, NS1… để triển khai thực hiện.

- Trung tâm TTGDSK tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo đặc biệt là giám sát hỗ trợ, kiểm tra hoạt động phòng chống dịch, công tác truyền thông ở các địa bàn trọng điểm. Tập trung mạnh vào các địa bàn trọng điểm có ca bệnh dương tính, chỉ số giám sát côn trùng tăng, truyền thông trong các cơ sở y tế, khu công nghiệp, trường học.



CN. Trần Thị Kim Hoa
ThS. Đoàn Bình Minh