Hai nghị quyết của Ban chấp hành trung ương về y tế

Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11-10-2017 tại Hà Nội. Hội nghị đã nghiên cứu, thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương, bao gồm: Về kinh tế-xã hội năm 2017-2018; Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; Công tác dân số trong tình hình mới; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và về công tác cán bộ.

Đáng lưu ý là Hội nghị Trung ương lần này đã quan tâm và đưa ra 2 nghị quyết về y tế:

  1. Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó ngành Y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

Tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.

Nghề y là một nghề cao quý với nhiều đặc thù riêng, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập; xây dựng hệ thống y tế rộng khắp, gần dân, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các ngành và lĩnh vực có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội phải chủ động, tích cực vào cuộc; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào toàn dân tham gia rèn luyện thân thể; cải thiện điều kiện sống, lối sống và làm việc; bảo vệ môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ, lành mạnh.

Đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực y tế và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân; tăng cường y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ gắn với đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Hệ thống y tế cơ sở phải nắm chắc, quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc các bệnh mãn tính theo đúng nguyên lý y học gia đình, chăm sóc tại cộng đồng, hạn chế việc phải nhập viện; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp, an toàn, văn minh. Đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế, bảo đảm đủ thuốc và thiết bị có chất lượng tốt, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh. Chăm lo phát triển nguồn nhân lực và khoa học ngành Y. Thực hiện chế độ chứng chỉ hành nghề theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật y tế, dược, sinh học.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách tài chính y tế, đặc biệt là sớm thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới phương thức chi ngân sách nhà nước cho y tế; đổi mới cơ chế về giá, phí dịch vụ phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng thương mại hoá dịch vụ khám, chữa bệnh. Có lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế và chế độ tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành Y. Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

  1. Về công tác dân số trong tình hình mới

Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình ở nước ta nhiều năm qua với kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam từng bước được cải thiện.

Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3 cm; tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Phân bố dân số hợp lý hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số được tăng cường và có nhiều đổi mới. Dịch vụ dân số - kế hoạch hoá gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số.

Tuy nhiên, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Quá trình toàn cầu hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu, thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư...

Ở trong nước, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cũng bắt đầu phát sinh những hệ luỵ cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển.

Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.

Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con.

Đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số và phát triển. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Ban Biên tập