ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 50

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Bộ Y tế công bố quy chuẩn vi chất sữa học đường

Sữa tươi dùng trong chương trình sữa học đường phải đủ hàm lượng 21 vi chất dinh dưỡng, theo quy định Bộ Y tế công bố ngày 5/12. Văn bản sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1/2020, quy định 21 vi chất dinh dưỡng trong sữa tươi học đường bao gồm: Vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, axit folic, vitamin K1, kẽm, đồng, i ốt, selen, phospho, magie.

Chương trình sữa học đường được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2016. Hai tháng sau đó, Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời với sữa tươi trong chương trình, nhưng không nêu rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất. Bộ Y tế giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất để bổ sung quy định vi chất phù hợp với từng nhóm học sinh mẫu giáo, tiểu học. Có rất nhiều ý kiến tranh luận về các vi chất bổ sung vào sữa học đường, như 3, 18 hay 21 vi chất. Hiện 15 tỉnh triển khai chương trình sữa học đường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bắc Ninh, Sơn La... Tại Hà Nội, gần 90% học sinh mầm non và tiểu học tham gia chương trình. Chương trình sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai được cho là đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng và tăng chiều cao của trẻ em.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Báo động gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi

Các chuyên gia lĩnh vực thần kinh vừa phát đi cảnh báo về tình trạng gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi. Trong vòng 12 năm qua, số người trẻ bị đột quỵ não tăng tới gần 50%; nhóm tăng cao nhất là những người lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng "béo phì văn phòng".

Ðột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi. Trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi thì ngày nay, khoảng 25% số ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi; số người trẻ bị đột quỵ não tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua.

Ðáng chú ý, mặc dù đột quỵ là bệnh gây chết người và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Theo đó, cần tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia, rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; có chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; tập luyện thể dục hằng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài. Ðối với những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch… cần có phương án kiểm soát, điều trị hiệu quả bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có sự điều chỉnh phù hợp.

2. Bộ Y tế họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam

Ngày 05/12/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khởi động Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam (Viet Nam Global Health Office). Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Việc thành lập Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam sẽ là nền tảng để Việt Nam nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và có ý nghĩa rất to lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế của Bộ Y tế Việt Nam. Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu của Việt Nam được đặt tại Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế có nhiệm vụ thúc đẩy, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong các vấn đề sức khỏe toàn cầu và khu vực; hỗ trợ các quốc gia phát triển y tế qua việc chủ động đóng góp, xây dựng chính sách, chương trình nghị sự quốc tế. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hệ thống y tế cùng các vấn đề sức khỏe toàn cầu.

3. Vào mùa cúm, số trẻ nhập viện gia tăng

Thời tiết giao mùa đông – xuân với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại vi rút, đặc biệt là vi rút cúm phát triển. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm “vào mùa”. Vì thế, số trẻ nhập viện vì cúm đang gia tăng trong những tháng cuối năm. TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng vi rút cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc đàm.

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm. Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý bảo đảm nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng….

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Năm 2021 sẽ có vắc xin chống HIV

Vừa qua, nhóm nghiên cứu tại Mỹ cho biết 3 loại vắc xin HVTN 702, Imbokodo và Mosaico đã đi đến giai đoạn thử nghiệm cuối cùng sau nhiều năm nghiên cứu.

Thử nghiệm thành công được các nhà khoa học kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho căn bệnh thế kỷ. Đây là thành tựu quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. Dự kiến đến năm 2021 các vắc xin này sẽ được đưa vào tiêm chủng.

HVTN 702 là loại vắc xin được thử nghiệm sớm nhất. Nghiên cứu dựa trên phiên bản kém hiệu quả hơn là RV144, ra mắt năm 2009, giảm tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 30%. Hiện nay, RV144 là loại vắc xin duy nhất có hiệu quả. HVTN 702 được nghiên cứu tại Nam Phi vào tháng 10/2016. Theo Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, vắc xin có khả năng bảo vệ tốt hơn so với RV144. Các nhà khoa học kỳ vọng, hiệu quả lên tới 50-60%. Vắc xin Imbokodo được thử nghiệm từ tháng 5/2017 trên 2.600 phụ nữ Nam Phi độ tuổi từ 18 đến 35. Imbokodo bao gồm hai loại thuốc tiêm khác nhau. Thuốc tiêm chính (có tên gọi Ad26.Mos4.HIV) chứa adenovi rút, loại vi rút hây cảm lạnh thông thường và lượng nhỏ vi rút HIV. Mosaico được thử nghiệm vào tháng 7/2019 trên 3.800 đàn ông và người chuyển giới âm tính với HIV, tuổi từ 18 đến 60. Cách tiếp cận vi rút của vắc xin Imbokodo và Mosaico khá giống nhau. Cả hai đều có 6 mũi tiêm và sử dụng cơ chế "mosaic", giúp tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nhiều loại vi rút HIV.

Dù có khả năng thất bại, các nhà khoa học vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng của ba loại vắc xin mới. Hiện, người nhiễm "H" có thể điều trị bằng thuốc kháng HIV ARV. Dù không thể chữa trị dứt điểm căn bệnh, thuốc vẫn giúp người bệnh duy trì cuộc sống bình thường.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,