Điểm tin y tế tuần 5

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định về quản lý chất thải y tế

Ngày 31/12/2015, Liên Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến chất thải y tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Thông tư hướng dẫn phân loại chất thải y tế (chất thải lây nhiễm; chất thải nguy hại không lây nhiễm; chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế và chất thải nguy hại); Phân loại; Xử lý chất thải y tế nguy hại; Quản lý nước thải y tế; Chế độ báo cáo chất thải y tế; Lập hồ sơ quản lý chất thải y tế; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế (phân công 01 lãnh đạo phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế và 01 khoa, phòng hoặc cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế của cơ sở; lập và ghi đầy đủ thông tin vào sổ giao nhận chất thải y tế nguy hại; bố trí đủ kinh phí, nhân lực hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho tất cả cán bộ, viên chức, hợp đồng và các đối tượng liên quan; hằng năm, tổ chức đào tạo về quản lý chất thải y tế cho công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và các đối tượng có liên quan; báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Dịch vi rút Zika đang có nguy có lây lan rộng trên toàn cầu

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, vi rút Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ. Kể từ khi được phát hiện đầu tiên tại Brazil vào tháng 5/2015, đến ngày 23/01/2016 vi rút này đã lan truyền tới 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ. Tổ chức Y tế thế giới khu vực châu Mỹ cho rằng, vi rút Zika sẽ tiếp tục lan truyền tới hầu hết các nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Mỹ tại những nơi có lưu hành muỗi Aedes.

Lý do để vi rút Zika lây truyền nhanh, đó là người dân chưa có miễn dịch với vi rút Zika và do loại muỗi Aedes truyền vi rút Zika phổ biến ở hầu hết các nước khu vực châu Mỹ trừ Canada và lục địa Chile.

Vai trò của muỗi Aedes truyền vi rút Zika đã được khẳng định rõ ràng, còn các đường lây truyền khác thì rất hạn chế. Vi rút Zika cũng đã được phân lập trong tinh dịch và cũng ghi nhận một trường hợp có khả năng lây truyền qua đường tình dục (cần có thêm những bằng chứng để khẳng định). Vi rút Zika có thể lây truyền qua đường máu nhưng không phổ biến.

Các bằng chứng về việc truyền bệnh từ mẹ sang con cũng rất hạn chế. Các nghiên cứu gần đây có thể cung cấp thêm bằng chứng về việc truyền từ mẹ sang con khi sinh cũng như hiểu biết thêm về vi rút ảnh hưởng như thế nào tới trẻ sơ sinh. Hiện nay không có bằng chứng về việc lây truyền vi rút Zika qua sữa mẹ. Những bà mẹ trong vùng lưu hành vi rút Zika vẫn nên cho con bú sữa mẹ bình thường.

Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả là loại trừ nơi sinh sản của muỗi, đặc biệt là những đồ đựng nước, ngăn chặn muối đốt. Theo khuyến cáo của WHOđể phòng chống bệnh do vi rút Zika:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thu dọn những vật dụng đựng nước nơi muỗi có thể đẻ trứng như thùng, xô, chậu, lọ hoa, lốp xe và đầy nắp kín những nơi đựng nước sinh hoạt. Điều này cũng góp phần khống chế dịch sốt xuất huyết và chikungunya.
- Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes cần phòng muỗi đốt bằng bôi hóa chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài để tránh bị muối đốt; đóng các cửa để muỗi không vào nhà, nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày (khi muỗi hoạt động).

- Phụ nữ mang thai nên được chăm sóc cẩn thận để tránh bị muỗi đốt. Mặc dù bệnh do vi rút Zika chủ yếu có biểu hiện nhẹ nhưng vụ dịch Zika tại Brazil đã trùng hợp với sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

- Phụ nữ khi đi đến vùng lưu hành vi rút Zika nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về; trong trường hợp có phơi nhiễm với vi rút Zika nên tư vấn với cán bộ y tế để theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai.

- Tại Việt Nam, đến nay chưa có báo cáo ghi nhận sự lưu hành của vi rút này tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập của bệnh và với sự lưu của muỗi Aedes truyền bệnh, với sự giao lưu thương mại, du lịch, lao động giữa Việt Nam và các nước trên thế giới thì khả năng bệnh xảy ra ở Việt Nam là rất lớn.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút ZIKA xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành vi rút ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Phòng chống muỗi tương tự phòng chống muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

2. Các bệnh truyền nhiễm dễ mắc trong mùa Đông - Xuân

Mùa Đông - Xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Bên canh đó, trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng. Theo thống kê của Bộ Y tế các bệnh thường gặp trong những tháng đầu năm:

1) Cúm

Bệnh lây qua đường hô hấp, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh…

2) Cúm A/H5N1

Đây là loại cúm lây truyền từ gia cầm sang người, bệnh cũng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm virus cúm A/H5N1. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện chưa có văcxin hay thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng bệnh, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn…

3) Sởi, rubella

Dịch hay xảy ra vào mùa xuân, trong 3 tháng đầu năm 2011 cả nước ghi nhận hơn 4.000 ca mắc, sau đó giảm dần xuống dưới 500, đến năm 2014 lại tăng lên gần 6.000 ca, với 73 người tử vong liên quan sởi. Phòng bệnh sởi, rubella, người dân cần lưu ý đưa trẻ 9 tháng tuổi đi tiêm mũi vắc xin sởi mũi 1 và trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi-rubella. Ngoài ra cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; bệnh rất dễ lây vì thế không trẻ đến gần các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh…

4) Thủy đậu

Bệnh hay gặp trong tháng đầu năm, có số mắc tương đối cao, dễ lây thành dịch. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh đã có vắc xin và được tiêm theo hình thức dịch vụ khi trẻ được một tuổi.

5) Quai bị

Bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Biểu hiện bệnh gồm sốt, đau đầu, viêm họng, viêm tuyến nước bọt mang tai, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn gây vô sinh. Để phòng bệnh, cha mẹ có thể đưa con đi tiêm vắc xin khi trẻ được một tuổi.

6) Bệnh virus Adeno

Bệnh có nhiều tuýp huyết thanh nên biểu hiện lâm sàng đa dạng: viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm họng, viêm kết mạc, có thể gây tiêu chảy… Trường hợp nhẹ có thể cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Trường hợp nặng, bị bội nhiễm và có biến chứng thì cần được điều trị và cách ly tại bệnh viện.

7) Tiêu chảy

Đây là bệnh thường gặp nhất và do nhiều nguyên nhân: virus, vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, lị… bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Mất nước là dấu hiệu nguy hiểm nhất, nguy cơ tử vong rất cao đặc biệt là người già, trẻ dưới 5 tuổi. Phòng bệnh, cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín uống sôi…

8) Liên cầu lợn

Bệnh thường tăng cao trong các tháng đầu năm, lây từ động vật sang người. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như nem chua, nem chạo, lòng trần… Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, có tiền sử chăn nuôi giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh thì cần đến ngay cơ sở y tế.

9) Tay chân miệng

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, biến chứng nguy hiểm - viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… Để phòng bệnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn, chế biến thức ăn… Trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh.


Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,