Điểm tin y tế tuần 45

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020

Ngày 11/10/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BYT về Kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020

Nhằm mục đích đảm bảo duy trì việc triển khai GSTĐ bền vững, làm căn cứ huy động nguồn lực, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vi rút Zika và Chikungunya giai đoạt 2017-2020 với mục tiêu thu thập số liệu một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ hơn các thông tin cơ bản về dịch tễ học, các yếu tố nguy cơ và các đặc điểm về tác nhân gây bệnh để làm cơ sở dự báo, lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong các năm tiếp theo.

Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur là đầu mối phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các điểm giám sát trên địa bàn phụ trách, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối tổng hợp báo cáo số liệu về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) theo kế hoạch đã dược phê duyệt.

2. Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về luật thi đua, khen thưởng

Ngày 27/10/2017, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BNVvề việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, Thông tư quy định chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ. Không cộng dồn thành tích đã khen thưởng của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau. Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích toàn diện để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Đồng thời, không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được. Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng hình thức mức hạng nào thì xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng hình thức đó. Không đề nghị tặng 02 loại Huân chương hoặc tặng Huân chương và Bằng khen của Thủ tướng cho cùng 01 thành tích.

Đồng thời, trong 01 năm không đề nghị cấp trên xét, tặng 02 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất; khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng theo niên hạn).

Đáng lưu ý đối với các đơn vị có nghiên cứu khoa học:

1) Đề tài để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu, khen thưởng là đề tài khoa học đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên, được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao, đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2) Đối tượng được công nhận có đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng là Chủ nhiệm đề tài và người trực tiếp tham gia nghiên cứu đề tài.

3) Việc công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, công nhận... (file kèm theo).

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bệnh sởi có thể bùng phát thành dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay toàn TP Hà Nội đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, 1 ca tử vong. Đặc biệt, số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10, xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện. Hiện nay, bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi. Tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc). Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn, khả năng dịch bùng phát là có thể nếu lơ là công tác phòng chống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế có chỉ đạo toàn quốc tập trung tăng cường phòng chống dịch, trong đó có bệnh sởi. Sởi là bệnh có thể phòng bằng tiêm chủng vắc xin, nhưng hiện nay vẫn còn những “vùng lõm” về tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thứ trưởng yêu cầu, với các trường hợp hoãn tiêm (như: Trẻ suy tim, trẻ mắc các bệnh lý khác bị chống chỉ định tiêm chủng…) cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên để có đủ điều kiện tiêm cho các cháu. Bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện tổ chức tiêm chủng cho các bé không tiêm chủng tại tuyến cơ sở khá tốt để bảo đảm các trẻ được bảo vệ bằng vắc xin.

2. Phát hiện vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể lây truyền và gây chết ở động vật

Theo Cục Y tế Dự phòng, ngày 2/11/2017, Việc chuyển từ chủng độc lực thấp sang chủng độc lực cao của vi rút cúm A(H7N9) làm tăng nguy cơ lây lan vi rút cúm A(H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người do việc đào thải vi rút cúm A(H7N9) từ gia cầm vào môi trường cao hơn từ hàng chục đến hàng trăm lần so với chủng vi rút độc lực thấp. Tính đến ngày 25/10/2017, tại Trung Quốc đã phát hiện 54 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người.
Gần đây nhất, ngày 19/10/2017, Giáo sư Yoshihiro Kawaoka, Bộ môn Vi rút, Khoa Sinh học phân tử và Miễn dịch, Viện Khoa học Y khoa của Trường Đại học Tokyo, Minato-ku, Tokyo, đã công bố kết quả của nhóm nghiên cứu về chủng vi rút cúm A(H7N9) có thể lây truyền và gây chết ở động vật. Đây là kết quả sau khi nghiên cứu về mẫu bệnh phẩm phân lập từ một bệnh nhân tử vong do cúm A(H7N9) vào đầu năm 2017.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đã phát hiện đoạn gien có thể lây truyền và gây chết trên loài chồn (một loại động vật có thể chỉ điểm lây nhiễm sang người). Chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể nhân lên hiệu quả ở trên chuột, chồn và một số loài linh trưởng. Tất cả vi rút lây nhiễm trong số các con chồn thông qua các giọt nước bọt bắn tới các điểm biến thể nhạy cảm neuraminidase đã làm chết một số con vật bị nhiễm và có tiếp xúc gần. Hiện tượng này xảy ra cả ở con vật lây nhiễm đầu tiên và những con vật khác khỏe mạnh có tiếp xúc gần với con vật bị nhiễm bệnh. Đây là trường hợp đầu tiên chủng vi rút cúm A độc lực cao lây truyền giữa các con chồn và làm chúng tử vong. Kết quả nghiên cứu này cho thấy chủng vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có thể tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch và cần được theo dõi một cách chặt chẽ.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H7N9) ở người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
  2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
  3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  4. Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
  5. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Đã tìm ra cách điều trị bệnh mất trí nhớ tạm thời Alzheimer’s

Theo Alkahest, một tổ chức khoa học mới tách khỏi trường Đại học Stanford đã tìm ra cách điều trị bệnh Alzheimer’s bằng huyết tương của đàn ông. Các nhà khoa học hy vọng huyết tương có thể giúp tái tạo tế bào thần kinh não bộ con người, giống như những gì họ đã làm trên động vật.

Các nghiên cứu này được thực hiện bởi nhà thần kinh học thuộc trường Đại học Stanford Tony Wyss-Corray. Ông đã phát hiện ra rằng những động vật “cao tuổi” đã cải thiện được nhận thức khi được truyền máu vào cơ thể từ những động vật “trẻ tuổi”. Suy giảm nhận thức hay thoái hóa thần kinh cũng chính là biểu hiện của những người bị mắc chứng bệnh Alzheimer’s.

Ban Biên tập website Viện