Điểm tin y tế tuần 45 - 2018

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

1. Hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng

Ngày 25/20/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 6437/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng cho các Cục, Vụ liên quan, Sở y tế các tỉnh và 03 Viện trưởng của Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng, theo đó quyết định này thay thế Quyết định số 1932/QĐ-BYT ngày 19/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng, trong đó quy định cụ thể về :

  • Đối tượng và tần suất tẩy giun tại cộng đồng : từ 12 tháng tuổi trở lên và tùy thuộc vùng chưa triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng hoặc các vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng dưới 5 năm hay vùng đã triển khai điều trị giun hàng loạt tại cộng đồng trong 5-6 năm liên tiếp gần đây, đạt được mức độ bao phủ ≥75% mà tần suất tẩy giun sẽ khác nhau.
  • Thuốc sử dụng: Albendazole hoặc Mebendazol và tùy vào lứa tuổi mà liều thuốc khác nhau.
  • Tổ chức thực hiện: Căn cứ vào tỷ lệ nhiễm giun của đối tượng thuộc chỉ định, các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động sẽ tổ chức triển khai thực hiện.
  • Nêu cụ thể xử lý tình huống
  • Các biện pháp phòng bệnh từ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và giáo dục truyền thông để khuyến cáo người dân.

Đính kèm Quyết định số 6437/QĐ-BYT, ngà 25/10/2018.

2. Quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế.

Ngày 26/10/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 28/2018/TT-BYT về quy định quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm HIV tại các cơ sở y tế. Theo đó, thông tư này quy định việc quản lý điều trị người nhiễm HIV đăng ký điều trị lần đầu, khám lại, chuyển tuyến và quản lý điều trị người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế, cụ thể:

  • Áp dụng đối với cơ sở điều trị thuốc kháng HIV, cơ sở y tế cấp phát thuốc kháng HIV, người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV và cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan.
  • Chẩn đoán, điều trị cho người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV, thực hiện theo Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và Quyết định số 6250/QĐ-BYT ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn bổ sung Quyết định số 5418/QĐ-BYT ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tạm thời sử dụng thuốc ARV cho trẻ để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (sau đây gọi là Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS).
  • Kế hoạch cung ứng thuốc kháng HIV: cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch điều trị thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV theo quy định.

Đính kèm Thông tư số 28/2018/TT-BYT, ngày 26/10/2018.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bệnh nhân nhiễm sán lá phổi không rõ nguyên nhân

Trong tháng 10/2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cho biết có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, tràn khí màng phổi kèm tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân được lấy dịch màng phổi làm xét nghiệm, các bác sĩ thấy có hình ảnh sán lá phổi.

Sau khi điều trị bằng thuốc sán lá phổi đặc trưng, bệnh nhân đã có tiến triển tốt. Theo y văn, sán lá phổi có triệu chứng điển hình là bệnh nhân sẽ đau tức ngực, ho khan và khó chịu.. Nếu để muộn, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho ra máu, xuất huyết phổi. Ngoài ra, bệnh có thể gây tràn dịch, khí, máu màng phổi khi nang tổn thương sán bị vỡ.

Cũng theo y văn, nguy cơ mắc sán lá do ăn cua (cua đá) hoặc tôm chưa nấu chín có chứa kí sinh trùng ở giai đoạn ấu trùng nang metacercaria. Tuy nhiên, bệnh nhân cho biết mình chưa từng ăn loại cua này.

2. Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm độc lực mạnh ở Phú Yên

Thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa - Phú Yên xuất hiện ổ dịch trên đàn gia cầm của một gia đình ,17000 con gia cầm trong tổng đàn 2000 con của gia đình này đã bị chết chỉ sau 2 ngày nhiễm dịch. Đây là lần đầu tiên một chủng virus cúm A mới, có độc lực rất mạnh và khả năng lây lan cho người xuất hiện trên đàn gia cầm tại Phú Yên.

Hiện ngành thú y tỉnh Phú Yên đang tiến hành bao vây dập dịch một cách khẩn trương nhằm hạn chế lây lan: lực lượng chức năng đang hướng dẫn người dân và phun tiêu độc sát trùng hết toàn bộ, sau đó cấp vacxin, đồng thời hướng dẫn cách phòng bệnh cho chính người chăn nuôi và những người tham gia phòng dịch.

Sau khi hoàn tất mọi công tác chống dịch, tất cả trang thiết bị được thu gom đốt hoặc chôn lấp và xử lý bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Đặc biệt, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát như hiện nay, người dân được khuyến cáo đối không được sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Cefiderocol mở ra hy vọng trong cuộc chiến chống vi khuẩn kháng thuốc

Theo The Lancet Infectious Diseases, các nhà khoa học đã thử nghiệm loại thuốc kháng sinh mới cefiderocol để chống lại các loài vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc carbapenem, gồm 4 kháng sinh: Imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem.

Qua 2 lần nghiên cứu ngẫu nhiên với 448 người lớn bị nhiễm vi khuẩn Gram âm, các nhà khoa học so sánh cefiderocol với kháng sinh imipenem-cilastatin, một loại kháng sinh hữu ích trong điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn. Kết quả điều trị, cefiderocol đạt hiệu quả 73%, trong khi imipenem-cilastatin chỉ đạt 55%.

Cefiderocol được chứng minh là loại thuốc an toàn thậm chí đối với các bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh nghiêm trọng và các biến chứng phức tạp kèm theo do các mầm bệnh kháng kháng sinh khác nhau gây ra.

Hiện nay, vấn đề chính của y tế hiện đại là sự xuất hiện của các vi khuẩn gây bệnh có tính kháng lại thuốc kháng sinh, chỉ còn một số loại kháng sinh cuối cùng mà hầu hết các vi khuẩn chưa kịp kháng thuốc, do đó nhiều loại thuốc kháng sinh mới đang được nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới phát triển, nhưng cefiderocol đã trở thành chất đầu tiên có cơ chế hoạt động mới, đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng chính thức.

Ban Biên tập website Viện