Điểm tin y tế tuần 40 - 2018

THÔNG TIN TRONG NƯỚC

1. Nguy cơ nhiều dịch bệnh gia tăng khi giao mùa thu-đông

Theo báo cáo của các đơn vị y tế thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 8 và tháng 9/2018, liên tục các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng lây lan nhanh chóng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

  • Đối với bệnh sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 12.280 ca sốt xuất huyết. Trong thời gian tới, thời tiết mưa nhiều vẫn là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết lây lan và gia tăng dần.
  • -Đối với tay chân miệng: từ đầu năm tới nay, có 1.094 trẻ bị tay chân miệng, đặc biệt trong 3 tuần gần đây, số lượng trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú tăng gấp 5 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Nguyên nhân có nhiều ca tay chân miệng nặng là do trong những năm trước số trẻ mắc tay chân miệng do EV 71 thấp nhưng gần đây hơn 50% trẻ tay chân miệng do vi rút này. Đây là chủng virút khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn do tác động lên hệ thần kinh, tim mạch, hô hấp và có thể gây tử vong.
  • Đối với bệnh sởi: trong tháng 8 và tháng 9, các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đều tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Riêng tại Đồng Nai hiện có 6 “điểm nóng” là 6 xã, phường có số người mắc cao bất thường cần phải được dập tắt ngay.

2. Phát hiện bệnh do giun lươn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa mới phát hiện một trường hợp nhiễm giun lươn trên một bệnh nhân nữ, với các triệu chứng như xuất hiện nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo trên da, di chuyển và thỉnh thoảng tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ ngoạy. Bệnh nhân sau khi xét nghiệm được chẩn đoán dương tính với giun lươn bằng phương pháp huyết thanh.

Trong một trường hợp khác, bệnh nhân nam 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần. Bệnh nhân đã điều trị nhưng vẫn bị tái phát lại. Sau khi được chẩn đoán dương tính với giun lươn và được điều trị nhiễm trùng đồng thời với diệt giun lươn mới hết tình trạng nhiễm trùng huyết tái phát.

Tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1%. Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, đến một lúc nào đó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có khi đe dọa tính mạng người bệnh. Dấu hiệu nhiễm giun lươn mạn tính không rõ ràng, không có triệu chứng, đôi khi người bệnh có hiện tượng mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ, 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau. Trong khi đó, khi được phát hiện, việc điều trị giun lươn lại khá đặc hiệu với thời gian điều trị tối tối thiểu là 2-4 tuần

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Chỉnh sửa gien để 'triệt sản' muỗi sốt rét

Ngày 26.9.2018, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã đăng trên Fox News về việc thành công trong việc chỉnh sửa gien của những con muỗi gây bệnh sốt rét trong phòng thí nghiệm để không cho chúng sinh sản, nhằm loại trừ căn bệnh này. Bằng phương pháp này, các nhà khoa học đã ngăn chặn được sự sinh sôi của muỗi Anopheles gambiae lây truyền bệnh sốt rét ở vùng Châu Phi hạ Sahara.

Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, có thể sẽ mất ít nhất 5-10 năm nữa những con muỗi biến đổi gien này mới được thử nghiệm thả ra rộng rãi trong cộng đồng.

2. Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới nhiễm viêm gan E từ chuột

Ngày 28.9.2018, Đại học Hồng Kông vừa ghi nhận một một trường hợp bị nhiễm vi rút viêm gan E từ chuột, chủng này được ghi nhận khác với chủng vi rút gây bệnh viêm gan E ở người thường gặp. Đây được xem là trường hợp đầu tiên trên thế giới cho thấy sự lây nhiễm vi rút này từ chuột sang người. Phát hiện này có một ý nghĩa rất quan trọng trong ngành y tế công cộng vì từ trước đến nay, không phát hiện bằng chứng lây truyền vi rút này từ chuột sang người nên nguy cơ này không được chú ý đến.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy mỗi năm có 20 triệu người bị nhiễm bệnh viêm gan E trên thế giới. Thường bệnh được lây truyền thông qua nguồn nước uống bị nhiễm vi rút này. Người bệnh có những triệu chứng như sốt, ói và vàng da. Có một vài trường hợp bị suy gan.

Ban Biên tập website Viện