Điểm tin y tế tuần 40

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình dịch bệnh trong tháng 9/2017

Tả: Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc

Thương hàn: Trong tháng ghi nhận 73 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 475 trường hợp mắc (229 trường hợp được chẩn đoán xác định), không trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết: Trong tháng ghi nhận 44.643 trường hợp mắc, ghi nhận 8 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 125.186 trường hợp mắc (105.304 trường hợp nhập viện), có 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 (73.158/19), số trường hợp nhập viện tăng 43,9%, số trường hợp tử vong tăng 10 trường hợp.

Viêm não vi rút: Trong tháng ghi nhận 58 trường hợp mắc trong tháng, ghi nhận 4 trường hợp tử vong nghi do viêm não vi rút. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 553 trường hợp mắc (154 trường hợp được xác định phòng xét nghiệm), ghi nhận 19 trường hợp tử vong.

Viêm màng não do não mô cầu: Trong thang ghi nhận 3 trường hợp mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 27 trường hợp mắc (11 trường hợp được chẩn đoán xác định), 3 trường hợp tử vong.

Cúm A (H5N1): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc

Tay chân miệng: Trong tháng ghi nhận 18.893 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.055 trường hợp mắc (28.020 trường hợp nhập viện) tại 63 tỉnh, thành phố, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,2%.

Bệnh do vi rút zika: Trong tháng ghi nhận 3 trường họp mắc, trong tổng số 25 mẫu xét nghiệm. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 31 trường hợp mắc tại 8 tỉnh/thành phố trong tổng số 702 mẫu xét nghiệm.

Bệnh do liên cầu lợn ở người: Trong tháng ghi nhận 16 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 142 trường hợp mắc (101 trường hợp được chẩn đoán xác định), 12 trường hợp tử vong.

Viêm não Nhật Bản: Trong tháng cả nước ghi nhận 53 trường hợp mắc ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 184 trường hợp mắc (134 trường hợp được xác định phòng xét nghiệm), ghi nhận 6 trường hợp tử vong.

2. Việt Nam sắp có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến tháng 11/2017, công trình nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết mà Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur của Pháp sẽ hoàn thành.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia tại Châu Á tham gia giai đoạn III của tiến trình thử nghiệm với 2.336 trẻ từ 2 đến 14 tuổi tình nguyện tham gia. Việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin sốt xuất huyết được thực hiện tại Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và Long Xuyên (tỉnh An Giang). Trẻ tham gia thử nghiệm được tiêm 3 mũi vắc xin, mỗi mũi cách nhau 6 tháng. Vắc xin được đưa ra thử nghiệm có thể phòng được 4 type vi rút sốt xuất huyết. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc xin có hiệu quả cao nhất đối với type D4 (hơn 80%), tiếp đến là D3, D1 và D2. Đặc biệt, vắc xin này có hiệu quả cho trẻ từ 9 tuổi trở lên, trong đó phòng những trường hợp bệnh nặng lên tới hơn 90%. Sau khi kết thúc đánh giá, đến năm 2018, việc nghiên cứu và nghiệm thu vắc xin sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ hoàn tất.

3. Ra mắt ứng dụng tư vấn sức khoẻ trực tuyến VOV Bacsi24

Theo Cổng Thông tin điện tử B​ộ Y tế, ngày 28/9/2017, tại Trung tâm Phát thanh quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ khai trương ứng dụng VOV BACSI24 của Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm

Tới dự Lễ khai trương có: ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các bác sỹ của các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, các phóng viên báo đài Trung ương, Hà Nội dự và đưa tin.

Ứng dụng VOV BACSI24 là một ứng dụng mới trên điện thoại thông minh và máy tính, giúp người dân có thể được bác sỹ tư vấn khám chữa bệnh bất cứ thời gian, địa điểm nào. Bệnh nhân sẽ nhận được sự tư vấn về khám bệnh, tiếp cận hướng điều trị… từ những bác sỹ mà mình tin tưởng ngay từ khi người dân có các triệu chứng của bệnh và khi chưa có điều kiện đến bệnh viện nhằm giảm bớt công sức, chi phí đi lại. Sự chỉ dẫn tức thời của bác sỹ trong trường hợp khẩn cấp sẽ giúp bệnh nhân giảm đi sự lo lắng, hoang mang, nhất là với người dân ở các vùng sâu, vùng xa bác sỹ và người dân đều nhìn thấy nhau qua màn hình điện thoại.

Các bác sỹ và người dân có thể tải ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính. Đối với điện thoại Iphone: vào Appstore, tại mục tìm kiếm, đánh chữ VOV-Doctor24 dành cho bác sỹ và VOV-Bacsi24 dành cho người dân rồi tải về. Đối với các điện thoại dùng hệ điều hành Android thì vào CH PLAY mục tìm kiếm đánh chữ VOV-Doctor24 (Hoặc VOV-Bacsi24) rồi tải về. Với máy tính để bàn có nối mạng Internet thì cách kết nối như sau: Vào trang web: vovbacsi24.com để thực hiện đăng ký, đăng nhập và tư vấn theo hướng dẫn. Bộ phận chăm sóc và giải đáp thắc mắc cho mọi người dân và bác sỹ 24 giờ trong suốt cả tuần với số tổng đài 19001289./.

4. Đến năm 2030, không còn người chết vì bệnh dại

Theo Cục Y tế dự phòng, ngày 27/9/2017, Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại.

Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990-2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn 600 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm của bệnh dại với hơn 80% số ca tử vong do dại tập trung tại đây. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn.

Để thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về loại trừ bệnh dại trong thời gian tới, ngày 13/02/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193-QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Tiếp đó, ngày 06/7/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại trên toàn quốc nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia. Một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình quốc gia và Chỉ thị số 31/CT-TTg là tăng cường sự điều phối và chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Chính quyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả.

Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2030, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia của toàn bộ cộng đồng bên cạnh những giải pháp kỹ thuật như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thú y tại các cấp. Loại trừ bệnh dại chỉ có thể đạt được nếu chúng ta quản lý tốt đàn chó, và ít nhất 70% tổng đàn chó thực tế được tiêm phòng đầy đủ. Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại là một cơ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về phòng chống bệnh dại, tăng cường phối hợp liên ngành theo hướng tiếp cận “Một Sức Khỏe” và kêu gọi sự hợp tác, cam kết của cộng đồng cũng như các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia để đẩy lùi căn bệnh này. Tại buổi Lễ Mít tinh, đại diện chính quyền tỉnh Bắc Giang và Bộ, ngành, tổ chức quốc tế đã cùng ký tượng trưng cam kết cùng chung tay phòng chống bệnh dại.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Xét nghiệm máu nhanh giúp chẩn đoán nhồi máu cơ tim trong 20 phút

Theo BBC, Một xét nghiệm máu nhanh có thể phát hiện nhồi máu cơ tim trong vòng chưa đầy 20 phút nên được đưa vào sử dụng phổ biến. Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học King (ở London) đã thử nghiệm trên các bệnh nhân và cho biết rằng việc kiểm tra nồng độ protein liên quan đến tim (cMyC) có thể phát hiện nhồi máu cơ tim và sẽ tiết kiệm được hàng triệu bảng Anh mỗi năm cho nền y tế nước này.

Những nghiên cứu đều cho thấy nồng độ protein liên quan đến tim (cMyC) có trong máu tăng nhanh hơn và ở mức cao hơn sau khi bị nhồi máu cơ tim. Điều này có nghĩa rằng các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm mới này để phát hiện sớm nhồi máu cơ tim ở nhiều bệnh nhân hơn, theo những nhà nghiên cứu đang thử nghiệm xét nghiệm máu này. Gần 2.000 người vào cấp cứu tại các bệnh viện ở Thụy Sĩ, Ý và Tây Ban Nha khi họ bị đau ngực cấp tính đã được xét nghiệm bằng cách mới này. Xét nghiệm mới này đã giúp bác sĩ thấy được rõ ràng các triệu chứng chỉ trong vòng 15 đến 30 phút.

Ban Biên tập website Viện