Điểm tin y tế tuần 38

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bãi bỏ QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng

Ngày 11/9/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 36/2017/TT-BYT về việc bãi bỏ thông tư số 03/2017/TT-BYT ngày 22 tháng 3 năm 2017 của bộ trưởng bộ y tế về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng

Tại Quy chuẩn QCVN 5-1:2017/BYT quy định các mức giới hạn an toàn và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm:

- Sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng).

- Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng.

- Sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng.

- Sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

Thông tư 36/2017/TT-BYT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Phát hiện giun ký sinh trong u hốc mắt của bệnh nhân

Theo VTC News 16/9/2017, Bệnh viện đa khoa Lao Cai đã phẫu thuật bóc u hốc mắt do giun ký sinh ở người. Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán mắt phải có u hốc mắt. Trong quá trình phẫu thuật bóc u mắt cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện có một con giun dài khoảng 5 - 6cm, xung quanh có nhiều ấu trùng. Đây là loại giun thường sống ký sinh ở các vật nuôi như chó, mèo.

Bệnh nhân có giun ký sinh trong u hốc mắt không có biểu hiện gì bất thường, không gây ngứa, cộm hoặc khó chịu nên trong quá trình chẩn đoán dẫn đến kết quả không chính xác. Tuy nhiên, nếu không được phẫu thuật kịp thời, giun sẽ ký sinh sâu vào các thành phần tiếp theo của mắt, thậm chí vào não, gây hại đến sức khỏe con người.

2. Số người chết vì bệnh dại tăng cao

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, tương đương với số tử vong của năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thống kê trong 5 năm qua, mỗi năm nước ta có 240-300 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm thì đến một phần ba là do bệnh dại. Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vắc xin phòng bệnh trên cả động vật và người, nhưng đến nay cả nước đã ghi nhận 56 ca tử vong. “Những cái chết vì bị bệnh dại rất thương tâm, trong khi nếu chủ động bằng dự phòng bằng tiêm vắc xin thì có thể cứu sống được cả 56 trường hợp”, thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi- nơi trọng điểm của bệnh dại tăng cường truyền thông giáo dục, dự phòng dại từ đàn chó, mèo. Nếu không có bệnh dại trên đàn chó, mèo thì sẽ không có bệnh dại trên người.

Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

- Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.

Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.

3. Sốt xuất huyết tăng hơn 30 lần trong nửa thế kỷ

Theo Tiến sĩ Masaya Kato, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO - tại Việt Nam) cho biết, ước tính trong 50 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết đã tăng 30 lần. Hơn 3,9 tỷ người và hơn 100 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Kiểm soát dịch vẫn là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lý giải sự gia tăng, chuyên gia này cho rằng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, toàn cầu hóa; biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa và nhiệt độ; sự phát triển của thương mại, du lịch; thay đổi khả năng miễn dịch cộng đồng…

Tại Việt Nam, trong năm nay dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tăng cao ở khu vực miền Bắc. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 125.000 trường hợp sốt xuất huyết, 29 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện tăng 44%, số tử vong tăng 10 người. Bệnh sốt xuất huyết truyền qua muỗi đốt do virus Dengue gây ra, với 4 tuýp virus gồm D1, D2, D3 và D4. Muỗi truyền bệnh thường hoạt động hút máu vào ban ngày, hai thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (mặt trời sắp lặn). Thời gian muỗi sốt xuất huyết hoạt động mạnh nhất vào khoảng một giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm nhưng ở mức độ rất thấp.

Chuyên gia WHO đề nghị Việt Nam coi trọng khâu dự phòng để kiểm soát và đáp ứng dịch khi nó đã xảy ra. Ví dụ, kiểm soát véctơ, giảm sự sinh sản của muỗi… nên được thực hiện cả năm, không nên chỉ làm vào mùa dịch. WHO khuyến khích kế hoạch chiến lược quốc gia về phòng chống sốt xuất huyết của Việt Nam; tạo quỹ đảm bảo tài chính cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối liên ngành để phòng chống dịch, sự vào cuộc tích cực hơn của người dân. Kiểm soát véctơ có thể hiệu quả hơn nhờ cộng đồng phát hiện và loại trừ các khu vực muỗi đẻ trứng quanh khu vực họ sinh sống.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Thái Lan phát hiện 5 người nghi nhiễm MERS sau khi trở về từ Trung Đông

Ngày 14/9/2017, Y tế Thái Lan cho biết 5 người Hồi giáo ở nước này trở về nước sau khi tới Saudi Arabia tham gia Lễ hành hương Hajj đã có biểu hiện mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). 05 công dân này đã được kiểm tra y tế ngay tại sân bay quốc tế Hat Yai và bị nghi mắc MERS.

Hội chứng MERS, còn được biết đến là MERS-Covdo, do chủng vi rút coronavirrus gây ra. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (40%). Các triệu chứng ban đầu là ho, sốt cao và khó thở.

2. Kỹ thuật y học mới giúp đàn ông nhiễm HIV có thể 'sinh' con khỏe mạnh

Theo Mirror, đàn ông nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh mà đứa trẻ không bị nhiễm bệnh. Để làm điều này, các nhà khoa học áp dụng một phương pháp tạm gọi là “rửa tinh trùng”. Tinh trùng sẽ được tách khỏi tế bào nhiễm HIV. Sau khi được “làm sạch”, tinh trùng sẽ được dùng để thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.

Việc cho phép áp dụng phương pháp này vào thực tế có thể sẽ cần thêm chút thời gian vì Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết họ cần phải tìm thêm bằng chứng để chắc chắn rằng người mẹ không bị lây nhiễm HIV khi sinh con bằng phương pháp này.

Ban Biên tập website Viện