ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 37-38

VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO

1. Công văn khẩn về việc xét nghiệm Covid-19 cho người xuất cảnh

Ngày 11/9, Bộ Y tế đã ký Công văn khẩn số 4847/BYT-DP về việc xét nghiệm Covid-19 cho người xuất cảnh.

Theo đó, Các cơ sở xét nghiệm thực hiện xét nghiệm và cấp Giấy xác nhận không dương tính với virus SARS-CoV-2 cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì lập tức thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giám sát, báo cáo các cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp phòng chống dịch đúng quy định.

Công văn khẩn số 4847/BYT-DPcó hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế yêu cầu công khai giá trang thiết bị y tế trực tuyến

Ngày 9/9, Bộ Y tế ra mắt cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Theo đó, để chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, liên doanh, mua sắm trang thiết bị, từ tháng 4 đến nay, Bộ đã công khai toàn bộ kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế với khoảng 50.000 đầu mục, đây là cơ sở, căn cứ để các đơn vị tra cứu, làm lành mạnh hoá thị trường.

Khi cổng thông tin đi vào hoạt động, Bộ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, hãng sản xuất phải công khai giá mong muốn khi đưa vào thị trường Việt Nam, bao gồm giá tương ứng với cấu hình, tính năng, thuế, phí và các giá linh kiện, bảo hành, khuyến mại… đi kèm.

2. Sốt xuất huyết gia tăng tại các thành phố lớn

Theo báo cáo của HCDC, trong 8 tháng đầu năm 2020, TP đã có 11.999 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gồm 6.589 bệnh nhân điều trị nội trú và 5.410 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Riêng trong tháng 8 vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhân nữ tử vong vì sốt xuất huyết ở TP.HCM.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.300 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong. Dù số ca giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số ca nhập viện trong thời gian gần đây tăng mạnh. Đặc biệt, trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm đến 47,7% tổng số ca bệnh.

Hà Nội đang có 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ 2019 số mắc 8 tháng đầu năm chỉ bằng 50%, tuy nhiên trong nửa tháng gần đây đã có 2 ca tử do sốt xuất huyết.

Tại Cần Thơ, tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên 700 ca, không tăng so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong vài tuần gần đây số lượng ca bệnh tại một số quận huyện đang có dấu hiệu tăng so với những tuần trước đó.

Theo dự báo đỉnh dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm nay sẽ xuất hiện trễ hơn so với những năm trước đó, đồng thời dự báo trong những tuần sắp tới số ca bệnh sốt xuất huyết hằng tuần sẽ tiếp tục tăng theo mùa.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới

Tính đến ngày 14/9, thế giới ghi nhận gần 30 triệu người mắc và hơn 928 nghìn người tử vong. Tại nhiều quốc gia các ca mắc mới cũng như các trường hợp tái dương tính tăng mạnh.

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 6,7 triệu ca mắc và gần 200 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ, nước này hiện đã ghi nhận số ca mắc là hơn 4,8 triệu và hơn 79 nghìn ca tử vong. Thứ ba là Brazil, tính từ đầu dịch tổng số ca mắc là hơn 4,3 triệu ca và hơn 131 nghìn ca tử vong.

Tình hình dịch tại một số quốc gia Đông Nam Á vẫn phức tạp. Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với hơn 261 nghìn ca mắc và 4.371 ca tử vong. Xếp sau là Indonesia, nước này ghi nhận hơn 218 nghìn ca mắc và 8.823 ca tử vong.

Việt Nam đứng thứ 163/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tổng số ca mắc tại Việt Nam là 1.063, trong đó 918 người đã khỏi, 35 ca tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là hơn 33.000. Các ổ dịch cơ bản được khống chế, Sáng 14/9 đánh dấu 12 ngày không lây nhiễm cộng đồng.

2. Nhật Bản hợp tác với Đông Nam Á phát triển thuốc trị ung thư

Dự án mang tên Atlas, có sự tham gia của Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Mục tiêu là phát triển phương pháp điều trị trúng đích cho các loại ung thư hiếm gặp, tạo cơ hội để bệnh nhân ngoài Nhật Bản được tiếp cận các liệu pháp tiên tiến.

Dự án bao gồm nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung và nghiên cứu gene các khối u rắn. Nghiên cứu gene trị ung thư sử dụng các công nghệ như phân tích trình tự gene, xác định các biến đổi DNA nhằm giúp bác sĩ đề ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Ban Biên tập website Viện