Điểm tin y tế tuần 37 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

  1. Chương trình Sức khỏe Việt Nam

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1092/QĐ-TTG về Chương trình sức khỏe Việt Nam, trong đó mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, với 3 mục tiêu cụ thể là:

· Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân;

· Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng;

· Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 - 2030. Từ năm 2031 trở đi, căn cứ thực trạng, nhu cầu và kết quả thực hiện của chương trình đã triển khai để xác định mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên tiếp theo của Chương trình sức khỏe Việt Nam.

(Chi tiết Quyết định số 1092/QĐ-TTg).

  1. Khẩn trương chống dịch mùa tựu trường

Ngày 27/8/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gửi Công văn số 4962/BYT-DP cho các sở y tế yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức phổi hợp chặt chẽ với Ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do vi rút rota, sốt xuất huyết,...bởi mùa tựu trường là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, chuyển từ mùa hè sang mùa thu, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo các sở y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch. Ngoài ra, còn chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc không chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

  1. Tăng cường vai trò của Tổng hội Y học trong xây dựng chính sách y tế

Hiện tại, Việt Nam đang ở trong một thời điểm rất quan trọng : những chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan tới Y tế, mua sắm trang thiết bị, đầu tư vật tư Y tế sẽ định hình nền Y tế Việt Nam phát triển theo hướng nào. Một nền Y tế mang tính phát minh, nghiên cứu hay nền Y tế tập trung vào công tác khám chữa bệnh, lấy người bệnh là trọng tâm…. Và chính tại thời điểm quan trọng này, Tổng Hội Y học Việt Nam là cơ quan được giới chuyên môn và Chính phủ Việt Nam rất coi trọng vai trò tư vấn, giúp hoạch định các chính sách Y tế Việt Nam, hành lang pháp lý về Y tế Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có vai trò quan trọng trong việc tham gia tư vấn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho các cơ quan nhà nước. Cụ thể như Công ty Pharma Group, ngày 5/9/2018 đã ký Biên bản ghi nhớ với Tổng hội Y học Việt Nam nhằm tăng cường vai trò và hiệu quả tham gia công tác xây dựng chính sách Ngành Y tế với mục đích tăng cường vai trò hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia xây dựng chính sách trong lĩnh vực y tế một cách hiệu quả, khả thi và bền vững.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

  1. Bùng phát dịch bệnh sốt Tây sông Nin (Virus West Nile) tại Hy Lạp.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hy Lạp, hiện nay vi rút gây bệnh sốt Tây sông Nin đang tiếp tục lây lan mạnh tại Hy Lạp, trong đó đã có 178 trường hợp nhiễm virus, 21 ca tử vong. Vi rút bệnh sốt Tây sông Nin nhiễm sang người qua trung gian là muỗi, với những triệu chứng tương tự của bệnh cúm. Nặng hơn, vi rút có thể gây ra những triệu chứng như run tay chân, sốt cao, hôn mê, viêm não và viêm màng não.

Vi rút gây bệnh sốt Tây sông Nin lần đầu tiên bùng phát ở khu vực phía bắc Hy Lạp vào năm 2010 và sau đó lây lan sang các khu vực khác tại nước này vào năm 2011.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh và phòng ngừa Hy Lạp đang kêu gọi một kế hoạch diệt muỗi hiệu quả.

  1. Virus MERS-CoV xuất hiện trở lại tại Hàn Quốc

Chiều ngày 9/9/2018, Chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp đối phó với Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS - CoV). Bệnh này do Coronavirus gây nhiễm trùng phổi, có thể lây từ động vật sang người hoặc giữa người với người do tiếp xúc, với tỷ lệ tử vong lên đến 36%. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ thị khẩn cấp điều tra dịch tễ học một cách khẩn trương và triệt để, đưa ra mọi phương án phòng chống bệnh để ngăn virus lan rộng.

Đây là ca bệnh xuất hiện đầu tiên tại Hàn Quốc kể từ tháng 7/2015 , trận dịch này khiến 38 ca tử vong.

Ban Biên tập website Viện