ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 35

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình

Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động Y học gia đình để thay thế cho thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thí điểm về Bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình. Theo đó, những văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về Y học gia đình được chấp nhận bao gồm:

  1. Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh Y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.
  2. Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được khám, chữa bệnh Y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:
  • Có một trong các văn bằng Bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành Y học gia đình;
  • Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về Y học gia đình tối thiểu 03 tháng;
  • Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về Y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu là 03 tháng.
  1. Bác sĩ Y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trước và sau Thông tư này có hiệu lực, có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về Y học gia đình tối thiểu 03 tháng được tham gia khám, chữa bệnh Y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến 4).

Ngoài ra, Bộ Y tế còn ban hành kèm theo danh mục 51 chuyên môn kỹ thuật được phép thực hiện tại nhà người bệnh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2019. (Xem văn bản đính kèm)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cao điểm sốt xuất huyết, 16 người tử vong

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) đang trong những tháng cao điểm khi thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Đối với SXH luôn có hai vấn đề chính: ngoài việc tuyên truyền cho người dân biết phải lật úp tất cả dụng cụ chứa nước, che đậy và diệt lăng quăng, bản thân người dân cũng phải chủ động phòng tránh muỗi đốt. Đặc biệt, khi bị sốt phải được khám để phân loại xem trường hợp nào điều trị ở nhà, trường hợp nào cần thiết phải vào viện, tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc hay truyền dịch điều trị tại nhà.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn cả nước tăng từ 5.000-10.000 ca bệnh/tuần. Cục Y tế dự phòng cũng cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 130.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc SXH tăng hơn 3 lần, tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Theo giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - đặc biệt lưu ý khi bị SXH, tuyệt đối không được dùng kháng sinh. "Nhiều người nghĩ dùng kháng sinh nhằm làm yếu vi rút, nhưng không đúng. Hơn nữa, trong SXH máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh máu cao, dễ gây biến chứng". SXH ở người lớn có thể sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Do đó, khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

2. Thuốc lá không khói ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ hàng kém chất lượng

Tại Hội thảo Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới - Tiêu chuẩn chất lượng hướng tới an toàn sức khỏe cộng đồng do Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam tổ chức ngày 21-8 tại Hà Nội, ước tính đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 18 triệu người hút thuốc lá (chiếm 23% dân số cả nước).

Với sự phát triển và ứng dụng của khoa học công nghệ hiện nay, những loại hình sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử (e-cigarettes), thuốc lá làm nóng (heat-not-burn) có thể giảm tác hại so với thuốc lá truyền thống đã ra đời đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Theo số liệu được công bố tại hội thảo, hiện thế giới có 37 triệu người đang sử dụng các loại thuốc lá không khói và con số này đang gia tăng nhanh chóng, dự báo lên tới 95 triệu người vào năm 2025. Các chuyên gia cho biết nhiều sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên thị trường có thể giảm từ 95 - 99% độc hại trong 9 chất độc được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên giảm trong khói thuốc lá (như Benzene, Formaldehyde, khí CO2…).

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng được phân phối thông qua các kênh không chính thức đang ngày càng phổ biến do chưa được quản lý chặt, chưa có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật. Thực tế này gây thất thu thuế cho nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ sản phẩm giả, kém chất lượng, gây mất an toàn đối với sức khỏe người dùng.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị Thế giới cần tăng cường cuộc chiến với bệnh sốt rét

Vào ngày 23/8/2019, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố báo cáo mới nhất về bệnh sốt rét. Phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo này, Giám đốc chương trình chống sốt rét của WHO, chuyên gia Pedro Alonson nhấn mạnh: “Thế giới hiện ở ngã tư đường. Quá trình mang tính lịch sử (trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét) đã đạt được hơn một thập kỷ qua rõ ràng là đang chững lại”. Trong bản báo cáo, WHO nói rằng, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, thế giới đã đạt được tiến triển to lớn trong việc giảm hẳn số ca tử vong và nhiễm mới bệnh sốt rét. Tuy nhiên, trong hai năm qua cuộc chiến với căn bệnh này đang chững lại trên toàn cầu. Theo ông Alonson, hiện mỗi năm vẫn có 400 nghìn ca tử vong do sốt rét và 200 triệu ca nhiễm bệnh mới. WHO đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 90% số ca nhiễm mới và tử vong nhưng với tình hình hiện nay, các mục tiêu này sẽ khó có thể đạt được.

WHO kêu gọi, cần có một hành động phối hợp to lớn và nhịp nhàng để xóa bỏ việc lây truyền căn bệnh này từ những con muỗi mang vi rút sang người. Bên cạnh phối hợp các chính sách và hành động, WHO kêu gọi một khoản tài chính trị giá 34 tỷ USD từ nay cho đến năm 2030 để chiến đấu xóa bỏ căn bệnh sốt rét. Theo đó, khoản tài chính này sẽ được đầu tư cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, sản xuất vắc-xin và theo dõi các mối nguy cơ mầm bệnh. Theo WHO, sự can thiệp tăng cường có thể giúp giảm hai tỷ ca nhiễm bệnh mới và bốn triệu ca tử vong vào năm 2030 nếu số tiền tài trợ được phân bổ cho 29 quốc gia đang bị sốt rét tấn công nặng nề nhất.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,