Điểm tin y tế tuần 34 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

  1. Hội thảo Đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế

Chiều ngày 16/8/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Theo đó, Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, cụ thể là:

  • Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Đã quy định về cấp chứng chỉ hành nghề theo chức danh làm việc, hiện đang được xem xét sửa đổi để quy định rõ hơn các quy định về vai trò của hội đồng Y khoa và việc thi quốc gia và cấp chứng chỉ hành nghề;
  • Luật Giáo dục: Chưa có các quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế về thời gian đào tạo, văn bằng, trình độ, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với việc mở ngành, mở trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên khoa sau đại học... Nội dung này cũng đang được góp ý để đưa vào luật Sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục đại học.
  • Luật Viên chức và chính sách sử dụng: cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi do chưa quy định cụ thể chức năng, vị trí việc làm của giảng viên nhà trường tham gia làm việc chuyên môn tại bệnh viện và của bác sĩ bệnh viện tham gia vào giảng dạy học viên. Mức lương của bác sĩ ra trường (6 năm) cũng giống như các ngành khác (4-5 năm). Các chính sách thu hút nguồn nhân lực làm việc ở các khu vực khó khăn còn chưa đủ mạnh...

Khẳng định vai trò và sự phát triển của hệ thống đào tạo nhân lực y tế trong những năm qua, đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một quá trình lâu dài, do đó BYT cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.

  1. Gia tăng ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát hiện ở Việt Nam thế kỷ trước

Từ đầu năm 2018 tới nay, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 20 ca Whitmore nặng, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Đây là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh Whitmore được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam và đã xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”. Tuy nhiên, gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tháng 7-11. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa..., thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…và có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

  1. Giới chuyên gia Mỹ lo ngại về dịch sốt chết người lây qua bọ ve

Theo Daily Mail, Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sốt phát ban miền núi (Rocky Mountain spotted fever - RMSF) do vi khuẩn lây lan qua loài bọ ve không phải mới xuất hiện . Tuy nhiên, dịch bệnh gần đây ở Mexico có những phát triển đáng lo ngại : nếu trước đây, bệnh lây qua 2 loại bọ ve là ve chó Mỹ và bọ ve rừng Rocky Mountain (hay Dermacentor andersoni) thì giờ đây, vi khuẩn lây qua cả bọ ve chó nâu (brown dog tick - có tên gọi này là do đặc trưng về màu sắc của bọ ve và bọ ve thường được tìm thấy trên cơ thể chó nhà, theo pestworld.org.

Giới chuyên gia Mỹ lo lắng bệnh sẽ thành ổ dịch lớn nếu tràn đến Mỹ bởi loại bọ ve này không sống hoang dã mà ký sinh trên vật chủ là động vật nuôi trong các hộ gia đình, có nhiều khả năng cắn người hơn các loại bọ ve khác. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu kết hợp giữa Đại học California Davis (Mỹ) và Universidad Autónoma de Baja California (Mexico) củng đã xét nghiệm 16 bệnh nhân bị ve chó nâu cắn và phát hiện những người này có lượng vi rút trong máu cao. Đây là đặc tính chưa từng thấy trong các đợt bùng phát bệnh trong quá khứ.

  1. Australia phát triển thành công bộ dụng cụ tự phát hiện bệnh truyền nhiễm

Một nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã phát triển thành công bộ dụng cụ tự kiểm tra những bệnh truyền nhiễm từ xa đơn giản, giúp phát hiện sớm vi sinh vật gây bệnh. Bộ dụng cụ gồm que lấy mẫu máu, nước tiểu hoặc nước bọt, nước và điện thoại thông minh. Sau khi cho nước vào các mẫu này, người dùng chỉ cần sử dụng một thiết bị cầm tay nhỏ (như điện thoại thông minh) để phát hiện bệnh trong mẫu thử nếu có. Các nhà khoa học tin rằng với công cụ giá rẻ và rất dễ sử dụng này, bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu, đều có thể tự làm xét nghiệm để phát hiện bệnh của mình mà không cần phải gửi mẫu máu hay mẫu nước tiểu tới bệnh viện hay phòng thí nghiệm vốn khá tốn kém và thậm chí là không khả thi đối với nhiều khu vực.

Đặc biệt họ cho rằng bộ dụng cụ này rất hữu ích cho các nước đang phát triển, nơi vẫn tồn tại nhiều bệnh truyền nhiễm gây chết người như sốt rét.Quỹ từ thiện Bill and Melinda đã tài trợ 100.000 USD cho việc phát triển đầy đủ bộ dụng cụ tự phát hiện bệnh truyền nhiễm nói trên trong vòng 18 tháng tới.

Ban Biên tập website Viện