Điểm tin y tế tuần 33

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bản tin văn bản y tế mới nổi bật từ ngày 05 – 8/8/2017

  1. Quyết định 285/QĐ-QLD ngày 26/7/2017 về danh mục 06 vắc xin được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 33 do Cục trưởng Cục Quản lý Dược ban hành. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
  2. Quyết định 286/QĐ-QLD ngày 26/7/2017 về danh mục 12 sinh phẩm được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam - Đợt 33 do Cục trưởng Cục Quản lý Dược ban hành. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Vì sao Hà Nội vẫn chưa khống chế được dịch sốt xuất huyết

Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để dập tắt dịch sốt xuất huyết.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đang là địa phương có số mắc cao nhất tại các tỉnh phía bắc. Tính đến ngày 9/8/2017, toàn thành phố đã ghi nhận 13.982 mắc và bảy trường hợp tử vong. Có 91% xã, phường có người mắc SXH. Số mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 2016 do dịch đến sớm hơn ba tháng. Hà Nội đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khách quan như nền nhiệt độ miền bắc cao hơn trước, mùa mưa đến sớm tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường chưa tốt, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống, công trường với số dân vãng lai đông. Xác định biện pháp chính của phòng, chống SXH là dựa vào cộng đồng cùng chung tay diệt bọ gậy, lăng quăng và muỗi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để quyết tâm dập tắt dịch. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 50 đội xung kích diệt bọ gậy, phối hợp với Ban chỉ huy quân sự để có những nhân lực trẻ, khỏe đi phun thuốc. Đến nay, có 308 xã, phường thành lập đội, chiếm 53% trên địa bàn. Mỗi đội có hai thành viên, phụ trách 30-50 hộ gia đình. Theo lịch, cứ bảy ngày, đội xung kích sẽ đến những hộ này tuyên truyền về diệt bọ gậy. Hà Nội hiện có hai máy phun cỡ lớn, tiến hành phun mù lạnh trên diện rộng và đang thử nghiệm phun mù nóng và sắp tới sẽ tiến hành phun mỗi ngày/xã (phường).

Bộ trưởng Y tế cũng nhận định, thời tiết đang thuận lợi cho dịch SXH tiếp tục gia tăng. Mùa hè cũng là mùa phản ứng chéo của bệnh dịch. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội quyết liệt hơn nữa để phòng, chống dịch. Cần thiết, sẽ huy động các tỉnh lân cận hỗ trợ máy móc, tập huấn cho đội ngũ phun trong nhà, phun ngoài trên diện rộng. “Cần phải hạ hỏa SXH bằng chiến dịch phun”. Bộ trưởng lưu ý những điểm nóng cần phải tiến hành ngay là bệnh viện, chợ, trường học, khu lán trọ, công trường và phun 3 lần/tháng. Yêu cầu Hà Nội phải tăng từ hai lên 20 xe phun thuốc mù lạnh trên diện rộng. Với các bệnh viện đang quá tải, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục sàng lọc, phân loại bệnh nhân, chuyển bớt xuống tuyến dưới để giảm tải, tập trung điều trị cho những ca nặng. Về chủ quan, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch: 10% hộ gia đình đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dùng trứng giun ký sinh ở lợn để trị bệnh

Theo New Scientist, cơ quan quản lý dược của Đức đã cho phép thử nghiệm loại thuốc của công ty Tanawisa (Thái Lan) để điều trị một loạt bệnh viêm ruột. Nếu thành công, thuốc sẽ xuất hiện trên thị trường dược phẩm châu Âu. Loại thuốc này thực chất là trứng giun ký sinh ở lợn (Trichuris suis).

Việc sử dụng giun để điều trị bệnh gần đây ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và các bác sĩ. Thực chất của phương pháp này là sử dụng tác động của giun sán tới hệ miễn dịch của người. Hiện nay có nhiều căn bệnh mà nguyên nhân là do hoạt động quá mức của hệ miễn dịch như: bệnh đa xơ cứng, bệnh hen suyễn, tiểu đường tuýp 1, bệnh Crohn và các chứng bệnh viêm ruột khác. Trong khi đó, những căn bệnh đó hiếm hơn ở các nước nhiệt đới, nơi tỷ lệ người nhiễm giun sán cao hơn đáng kể.

Để tránh tác động tiêu cực của giun sán đối với cơ thể, các nhà nghiên cứu đã chọn giun ký sinh ở ruột lợn vì loài này chỉ có thể tồn tại trong cơ thể người trong thời gian ngắn. Công ty Tanawisa đã tiến hành một số thử nghiệm trên quy mô nhỏ trong điều trị bệnh Crohn và thu được thành công đáng kể. Năm 2012, họ đã được cho phép sử dụng trứng giun lợn ở Thái Lan. Tất cả các thử nghiệm đối chứng đã xác nhận tính an toàn của chúng đối với sức khỏe và thuốc đã trở nên phổ biến. Tính đến năm 2015, không dưới 7.000 người trên thế giới đã mua trứng của giun lợn thông qua Internet để điều trị một loạt các bệnh tự miễn dịch và thậm chí trầm cảm. Các bác sĩ cảnh báo rằng việc tự ý dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ nguy hiểm, nhưng họ cũng thừa nhận rằng một số thử nghiệm lâm sàng xác nhận hiệu quả của liệu pháp này.

Hiện cơ quan liên bang về bảo vệ người tiêu dùng và an toàn thực phẩm Đức đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm dùng trứng giun để làm thực phẩm chức năng. Nếu thành công và được chấp nhận, đây là nước đầu tiên ở EU chính thức cho phép dùng và tiếp theo có thể là các nước EU khác

Ban Biên tập website Viện