Điểm tin y tế tuần 30 - 2018

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa lũ?

Theo Suckhoedoisong.vn, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải kiểm soát chất lượng ATTP các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, năm 2018, theo dự báo có khoảng 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, tình hình thời tiết, mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ năm nay, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa bão, lũ 2018.

Theo đó, trước khi xảy ra bão, lũ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.

Theo dõi sát các dự báo, diễn biến tình hình bão lũ trên địa bàn. Các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm khi bão, lũ xảy ra, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín.

Sau khi bão, lũ rút, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị cần hướng dẫn người dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồn

2. Bộ Y tế yêu cầu xử lý quảng cáo nano vàng như thuốc chữa ung thư

Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý quảng cáo thông tin nano vàng như một dạng thuốc trên facebook.

Qua kiểm tra, xác minh, Cục Quản lý Dược cho biết sản phẩm trên chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc chữa bệnh. Theo quy định tại Điều 6, Luật Dược năm 2016: Các hành vi bị cấm trong kinh doanh dược: Kinh doanh thuốc thử lâm sàng; kinh doanh thuốc chưa được phép lưu hành.

Các hành vi bị cấm trong quảng cáo thuốc gồm: Sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc.

Trong sự việc này, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và bảo đảm việc thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo, Cục Quản lý Dược đề nghị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp chấm dứt hoạt động của trang mạng nói trên.

Đánh giá về phương pháp nano vàng chữa ung thư, các chuyên gia hàng đầu về ung thư tại BV K Trung ương cũng đã khẳng định, hạt nano vàng tại Việt Nam chưa được bất cứ cơ quan y tế nào cấp phép điều trị. Trên thế giới, phác đồ điều trị ung thư cũng không có phương pháp nano vàng.

TIN Y TẾ THẾ GIỚI

1. Zika sắp được khống chế

TheoThe Deccan Chronicle, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra một loại hợp chất hóa học mới có khả năng tiêu diệt các loài virus phổ biến. Các loại thuốc dựa trên các chất này có thể ngăn chặn sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng do virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus Zika gây ra.

Các chuyên gia đã tổng hợp được một phân tử tương tự như hợp chất tự nhiên isotisin A. Chất này ban đầu được chiết xuất từ các loại thảo mộc được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Các kết quả nghiên cứu cho thấy loại thuốc mới này có tác dụng tốt trong việc thanh toán virus Zika và RSV.

Những tác giả của khám phá mới nhận định rằng khám phá khoa học này đáng chú ý và có khả năng ảnh hưởng tích cực không chỉ đến y tế toàn cầu mà còn cả nền kinh tế Canada.

2. Hơn 100 người nhiễm ký sinh trùng nghi do ăn salad của McDonald's

Trong thông báo ngày 12-7, giới chức y tế Illinois cho biết đã ghi nhận 90 trường hợp nhiễm bệnh ký sinh trùng cyclospora kể từ giữa tháng 5 vừa qua, trong khi bang Iowa xác nhận 15 ca nhiễm bệnh từ cuối tháng 6. Điều tra ban đầu cho thấy khoảng 25% tổng số bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng ở bang Illinois đã ăn các món salad của nhà hàng McDonald's vài ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng.

Y tế địa phương đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm (FDA) để mở rộng điều tra vụ việc. Những khách hàng đã ăn salad của McDonald's kể từ giữa tháng 5 đến nay cũng được khuyến cáo tới các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm và điều trị nếu phát hiện mầm bệnh.

Cyclospora là một loại ký sinh trùng gây tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, chán ăn và mệt mỏi. Bệnh nhân bị nhiễm cyclospora do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm ký sinh trùng. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện ít nhất 1 tuần sau khi bị nhiễm.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,