Điểm tin y tế tuần 27 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

1. Bộ Y tế cung cấp thông tin về các bệnh không lây nhiễm phổ biến

Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 3756/QĐ-BYT ngày 21/6/2018. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Về hoạt động dự phòng một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, Bộ chỉ đạo giới thiệu đến người dân các trang thông tin điện tử như: Suckhoetoandan.vn; vncdc.gov.vn; kcb.vn; huyetap.vn; benhviennoitiettrunguong.com.vn; benhphoitacnghen.vn; benhvienk.vn; bvtttw1.gov.vn; nihe.org.vn; iph.org.vn; tihe.org.vn; pasteur-nhatrang.org.vn.

Đồng thời, giới thiệu người dân điện thoại đến tổng đài cai nghiện thuốc lá 18006606 hoặc 18001214, nghe đài tại tần số 98.9 Mhz và xem các chương trình sức khỏe trên Kênh truyền hình VTV2, VTV3,02TV và các kênh truyền hình khác để nâng cao kiến thức.

Để phát hiện sớm người có nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, cán bộ y tế hướng dẫn cho mọi người tự đánh giá nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm phổ biến dựa vào bảng kiểm đăng tải trên website https://suckhoetoandan.vn để đi khám, phát hiện bệnh kịp thời.

Cũng tại Quyết định này, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch; Đái tháo đường típ 2; Hen phế quản; Tâm thần phân liệt; Động kinh; Một số bệnh ung thư…

2. Bộ Y tế yêu cầu triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Bộ Y tế vừa có công điện số 614/ CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang và các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc đề nghị triển khai công tác y tế trong ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ

Theo công điện của Bộ Y tế, từ đêm ngày 23/6 ở các tỉnh miền núi và trung do Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ lớn, đã gây sạt lở, nước lũ chia cắt nhiều nơi tại các tỉnh và làm thiệt hại về người, tài sản đặc biệt là các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu. Để chủ động công tác khắc phục và ứng phó với những diễn biến bất thường của mưa lũ Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố nêu trên và các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Bắc cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, triển khai công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị đói bị thiếu thuốc khi ốm đau.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, đảm bảo lại cơ sở vật chất để nhanh tróng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng. Đồng thời tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa,lũ gây ra.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình diễn biến cúm A/H1N1 tại Tp.HCM

Tại TPHCM, tính đến nay đã có ít nhất 3 người tử vong do cúm A/H1N1, trong đó BV Chợ Rẫy có bệnh nhân N.T.V (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nhiễm cúm A/H1N1 nặng xin về gia đình ngày 24.6 và đã tử vong. Một bệnh nhân khác tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, đồng thời dấu hiệu nhiễm cúm A/H1N1. Trước đó, vì dịch cúm, một bệnh nhân nữ (26 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) tử vong vào ngày 30.5 tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Để tuyên truyền cho bệnh nhân và thân nhân về dịch cúm, bệnh viện đã chủ động chiếu thông tin về bệnh cúm A/H1N1, cách phòng bệnh trên 12 màn hình LCD thông báo của BV tại khu vực sảnh bệnh viện, các khoa phòng. Song, mặc dù công tác tuyên truyền cho bệnh nhân cũng như thân nhân đã được tăng cường nhưng một vài người bệnh và thân nhân họ vẫn chủ quan. Tại khu vực sảnh của một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, chỉ có một vài bệnh nhân đeo khẩu trang y tế trong thời gian chờ đợi gọi tên làm thủ tục… thậm chí, khi hỏi về dịch cúm A/H1N1 khiến 3 người tử vong, một vài người cho biết, họ không biết thông tin đó.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định chùm ca cúm vừa qua ở BV Từ Dũ và BV Chợ Rẫy là cúm A/H1N1 xuất hiện năm 2009. Sau 9 năm, cúm A/H1N1 không có sự thay đổi nào, không có sự đột biến về virus gây bệnh, không tăng độc tính, không gây kháng thuốc, chưa tạo chủng cúm virus mới. Vì vậy, cúm A hiện nay không thể gây dịch hoặc đại dịch. Những bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 vừa qua là dạng cúm mùa lưu hành thông thường quanh năm với tỉ lệ tử vong dưới 1%.

Tuy nhiên, với 3 trường hợp cúm A/H1N1 tử vong trong một thời gian ngắn ở TP HCM, người dân không nên chủ quan khi có dấu hiệu của bệnh cúm. Bởi so với các chủng cúm mùa khác (H3N2 và cúm B), khi nhiễm cúm A/H1N1, bệnh diễn biến thường nặng nề hơn, nhất là những người đang mắc một bệnh lý nền trước đó.

2. Công chức, viên chức ngành y tế thưc hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá

Công đoàn Y tế Việt Nam Chủ động xây dựng kế hoạch, sáng tạo trong triển khai thực hiện môi trường cơ sở y tế không khói thuốc, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào cuộc sống.

Được sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá Quốc gia, Công đoàn Y tế Việt Nam đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá như: Hàng năm tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25/5 - 31/5), tổ chức lễ phát động “xây dựng môi trường cơ sở y tế, bệnh viện, trường học Y Dược không khói thuốc” tại miền Trung, miền Nam; trong những năm qua đã tổ chức 19 lớp tập huấn phổ biến Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các bước xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc cho 2.670 đại biểu là đoàn viên công đoàn, cán bộ y tế; cung cấp 41.090 tài liệu truyền thông (tờ rơi, biển báo, áp phích, pano, sổ tay...) cho các đơn vị y tế trên cả nước; tổ chức giám sát việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá tại 120 cơ sở y tế, trường học.

Các đơn vị sau khi ký cam kết xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc lá với Công đoàn Y tế Việt Nam và đã triển khai thực hiện. Quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc đã được các đơn vị đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm và Nội quy của đơn vị. Số đoàn viên công đoàn bỏ thuốc lá, giảm hút thuốc lá ngày càng tăng. Tình trạng cán bộ y tế không hút thuốc lá tại nơi làm việc về cơ bản đã giảm xuống.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. Phát hiện loại virus mới truyền sang người qua muỗi vằn

Theo công bố từ Viện Mầm bệnh Phát sinh của Đại học Florida, Mỹ, một cậu bé 16 tuổi được xác định là người đầu tiên trên thế giới bị nhiễm bệnh do virus truyền qua muỗi trước đó chỉ có ở động vật, đây là bệnh nhân đầu tiên được chính thức xác nhận mắc virus Keystone do muỗi vằn Florida truyền bệnh.

Cậu bé 16 tuổi xuất hiện triệu chứng mẩn ngứa và sốt nặng khi đi cắm trại vào mùa hè năm 2016. Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân có thể là do côn trùng cắn, nhưng mọi xét nghiệm đều không tìm ra các loại virus hiện hành.

Virus Keystone được phát hiện ở Mỹ năm 1964 nhưng chỉ xuất hiện trong quần thể động vật vùng duyên hải từ Texas đến vịnh Chesapeake. Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa có biện pháp nào để xét nghiệm virus Keystone trên người.

Loại virus này có thể gây mẩn ngứa toàn thân và sốt. Tuy nhiên, theo giáo sư John Lednicky của Đại học Florida, Keystone nằm trong nhóm virus “có khả năng gây viêm não cho nhiều loài, trong đó có con người”. Ông cho biết: “Dù virus này chưa từng được tìm thấy ở con người, có thể nhiều người khác cũng đã nhiễm bệnh”.

Theo tiến sĩ Morris, người dân vùng Florida và các vùng khác cần thận trọng và đề phòng loại virus này, nhất là trong mùa hè khi khí hậu nóng ẩm khiến muỗi phát triển và sinh sôi nhiều.

Ban Biên tập website Viện