Điểm tin y tế tuần 26

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Giải pháp hạn chế ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Hiện nay, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số nơi và có khả năng lan rộng tại nước ta gây nên khó khăn về kỹ thuật chuyên môn cho công tác điều trị. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, việc điều trị quan sát trực tiếp là biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sốt rét kháng thuốc.

Một trong những hoạt động của dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin” khuyến cáo các cơ sở y tế thực hiện công tác điều trị bệnh nhân sốt rét bằng cách uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Chỉ định điều trị quan sát trực tiếp này được áp dụng cho tất cả các trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum hoặc bệnh nhân sốt rét nhiễm phối hợp có ký sinh trùng Plasmodium falciparum thể thông thường; không áp dụng cho các trường hợp sốt rét ác tính ở tuyến xã, phường, thị trấn và thôn bản.

Điều trị quan sát trực tiếp đảm bảo bệnh nhân uống thuốc đủ, đúng liều theo phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành. Nếu người bệnh bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc thì phải cho uống lại một liều thuốc khác như trước khi bị nôn. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn thì thay bằng thuốc điều trị thay thế và giám sát điều trị theo quy định.

2. Việt Nam bào chế thuốc điều trị Ung thư

Nhóm nghiên cứu Bộ môn Bào chế, Trường Đại học Dược Hà Nội đã bào chế thuốc chữa Ung thư hướng đích Liposome doxorubicin. Qua các thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu khẳng định chế phẩm Liposome doxorubicin có đặc tính, tác dụng, độ an toàn tương đương các chể phẩm có uy tính trên thị trường.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu dựa vào đặc điểm không tan trong nước của Amphotericin B để bào chế thuốc chống nấm Liposome amphotericin B và đã được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm.

3. Kết nối liên thông phần mềm bảo hiểm Y tế từ 30/6

Theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa bảo hiểm y tế (BHYT), trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT.

Hiện nay có hơn 3.400 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc đã trích xuất được dữ liệu điện tử đầu ra phục vụ yêu cầu thanh toán BHYT chuyển đến cơ quan BHXH từ ngày 30/6. Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện khảo sát hiện trạng phần cứng, phần mềm của các cơ sở y tế trên toàn quốc; xây dựng và triển khai hệ thống cổng thông tin tích hợp, trung tâm tích hợp dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT; xây dựng kết cấu chi phí thuê dịch vụ CNTT; tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát.

4. Người nhiễm HIV/AIDS cần được chăm sóc, điều trị

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 12.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 3.000 trường hợp tử vong. Hình thái dịch HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, là tỷ lệ phụ nữ nhiễm bệnh đã tăng lên từ 10% vào năm 1993 lên 34% vào năm 2015. Hiện nay, có 80% người nhiễm HIV/AIDS trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, việc lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục có sự gia tăng từ 10% vào năm 1993 lên đến gần 51% vào năm 2015.

Mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 130.000 người được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhằm duy trì và mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,3% và làm giảm tác động của bệnh này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục công tác tuyên truyền để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS nhằm góp phần đạt tỷ lệ 80% người dân có thái độ tích cực với người nhiễm HIV vào năm 2020.

Ban Biên tập website Viện