ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 26

A. TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Phòng bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và các bệnh mùa hè
Tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Tại Việt Nam, các bệnh dịch đã được khống chế và kiểm soát như: bệnh sốt xuất huyết, bệnh sởi đang có xu hướng giảm trong nhiều tuần qua, bệnh tay chân miệng giảm hơn so với trung bình giai đoạn từ năm 2013 - 2017. Tuy nhiên, số mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.
Hiện đang là thời điểm mùa hè, thời tiết nắng, nóng, mưa nhiều, biến đổi khí hậu cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động ... là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết phát triển.
2. Bác sĩ “thót tim” với một nút thắt đôi ở dây rốn của em bé
Thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, các bác sĩ vừa đỡ đẻ thành công cho sản phụ 32 tuổi, sinh con đầu lòng. Em bé chào đời trong sự “thót tim” của các bác sĩ vì nút thắt đôi ở dây rốn.
Đây là trường hợp tương đối hiếm gặp và ít nhiều tiềm ẩn những nguy hiểm. Theo các bác sĩ, dây rốn trung bình dài 55-100 cm. Dây rốn dài là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ thai nhi bị dây rốn thắt nút. Các yếu tố làm gia tăng tỉ lệ dây rốn thắt nút là thai phụ lớn tuổi, thai nhi là bé trai, trọng lượng thai nhỏ, các bé hay hoạt động, đa ối, mang thai lần thứ hai trở lên, đặc biệt đa thai chỉ có 1 túi ối. Dây rốn thắt nút được hình thành vào giai đoạn đầu của thai kỳ, khoảng từ 9-12 tuần, khi bé còn nhỏ và còn nhiều không gian để di chuyển.
3. Chục triệu người Việt mang “thủ phạm” gây ung thư gan
Viêm gan vi rút là bệnh nguy hiểm có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư gan cao thứ 3 sau Mông Cổ và Lào. Ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới, với số mắc năm 2018 là 25.335 ca.
Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật của viêm gan vi rút B và C là rất lớn. Cụ thể, tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan B rất cao, khoảng 10-15% dân số (khoảng 10 triệu). Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C chiếm từ 1-3% dân số (gần 1 triệu). Khi bị nhiễm vi rút viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Bệnh viêm gan vi rút thường diễn biến thầm lặng, 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Để phòng chống ung thư gan, cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần bằng siêu âm, xét nghiệm máu,… để phát hiện sớm các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao của ung thư gan: viêm gan virus B, C, xơ gan,…
- Tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng viêm gan B.
- Hạn chế hoặc bỏ bia, rượu đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus. Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan.
- Không dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt thuốc chưa rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, việc lạm dụng thuốc có thể gây suy giảm chức năng gan, nhất là những bệnh nhân đã có bệnh gan mạn tính và đây là nguy cơ cao cho ung thư gan.
4. Các hoạt động phối hợp của ngành y tế trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Bệnh không lây truyền từ động vật sang người. Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.
Trong những tháng đầu năm 2019, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi đã ghi nhận tại một số địa phương trong nước, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kiểm dịch động vật trong việc kiểm tra, giám sát ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào nước ta cũng như tuyên truyền về việc bệnh tả lợn châu Phi không lây truyền sang người trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân trong lúc triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh nhưng không tẩy chay ăn thịt lợn. Trên cơ sở đó, thịt lợn an toàn vẫn được sử dụng trên phạm vi toàn quốc, nhiều phong trào mua thịt lợn ủng hộ người người chăn nuôi đã được các ban, ngành, đoàn thể phát động, góp phần hạn chế phần nào những tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống người chăn nuôi. Bộ Y tế khẳng định, bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người do đó thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh vẫn được khuyến cáo sử dụng bình thường.
B. TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Khoảng 4.300 trẻ em Mỹ nhập viện mỗi năm vì mỹ phẩm
Hơn 64.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ bị thương vì mỹ phẩm tính từ năm 2002 - 2016, trong đó có đến 4.300 ca phải nhập viện mỗi năm.
Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Mỹ vừa được đăng trên tạp chí khoa học Clinical Pediatrics.
Nghiên cứu đã phân tích các sản phẩm khiến trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện cấp cứu. Trong đó, sản phẩm chăm sóc móng là nguyên nhân chính khiến trẻ bị thương, chiếm 28%. Tiếp theo là sản phẩm làm tóc, chăm sóc da và nước hoa. Trong số trẻ bị thương vì mỹ phẩm, 75% trường hợp là do trẻ nuốt phải sản phẩm, còn lại là trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm qua da hoặc mắt.
Học viện Nhi Khoa Mỹ khuyến cáo, người chăm trẻ và cha mẹ nên cất mỹ phẩm ở trong hộp và để ở những nơi cao, ngoài tầm với của trẻ.
2. Các nhà khoa học Nga tìm ra cách tiêu diệt tế bào ung thư vú di căn
Các nhà khoa học Nga tạo ra hóa chất tinh khiết nuôi cấy các tế bào miễn dịch có khả năng nhận biết tế bào ung thu lẩn trốn hệ miễn dịch và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi việc bị tái phát bệnh ung thư vú.
Các nhà khoa học nuôi và phân tách được các quần thể tế bào sạch có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư có thụ thể HER-2/neu dương tính. Điều này sẽ ngăn chặn sự tái phát bệnh ung thư vú ở những bệnh nhân đã trải qua 1 lần phẫu thuật. Họ tách xuất một lượng lớn tế bào lympho loại đặc biệt này từ nuôi cấy hoặc từ cơ thể bệnh nhân, sau đó nhân chúng và đưa một lượng lớn trở lại vào cơ thể bệnh nhân. Trên cơ sở ý tưởng này, các nhà nghiên cứu cố gắng tạo ra các tế bào có khả năng chống lại dạng ung thư vú ác tính nhất làm hỏng gen HER2.
Các thí nghiệm trên mang lại kết quả rất khả quan, hóa chất tinh khiết nuôi cấy các tế bào miễn dịch được tạo ra có khả năng nhận biết các tế bào ung thư và tiêu diệt các tế bào khối u loại này. Các nhà khoa học thử nghiệm phương pháp này trên một trong những phân loài ung thư vú ác tích nhất - MCF-7.
Kết quả, các tế bào miễn dịch "chọn lọc" tạo ra lượng chất cần thiết để chống ung thư nhiều gấp 2,6 lần và tiêu diệt các tế bào khối u tích cực hơn nhiều so với các tế bào lympho thông thường.
Theo báo cáo của dịch vụ báo chí Quỹ khoa học Nga, phương pháp này đã được cấp bằng sáng chế. Các nhà khoa học tới từ Novosibirsk vẫn đang tiếp tục nghiên cứu khả năng sử dụng phương pháp này để chống lại các loại ung thư khác hư hại một số gen cụ thể.
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,