ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 23 - 24 (Từ 06/6/2022 - 19/6/2022)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tăng cường biện pháp triển khai phòng chống sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết, số mắc gia tăng mạnh tại khu vực phía Nam và bắt đầu tăng tại miền Trung. Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn. Cả nước đã ghi nhận hơn 60.000 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ 2021 (tính đến thời điểm 16.6). Con số này tăng thêm khoảng 8.000 ca so với 1 tuần trước đó.

Để hạn chế số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cũng như nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống sốt suất huyết, tập trung vào các hoạt động chính như: truyền thông giám sát xử lý ổ dịch, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy tại cộng đồng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động,... Ngoài ra, Sở y tế cần tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân cũng như các cơ sở y tế khác trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra để triển khai công tác phòng chống dịch đến huyện, đến xã và ngay tại cộng đồng và nên phối hợp truyền thông phòng chống dịch COVID-19 lẫn xuất xuất huyết cũng như các dịch bệnh khác để tiết kiệm nguồn lực.

2. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan

Tính đến ngày 19/6, theo trang theo dõi bệnh đậu mùa khỉ Global Health, tổng số ca bệnh toàn cầu là 3.100 ca. Trong đợt bùng phát này, hầu hết (84%) được phát hiện ở châu Âu, châu Mỹ đứng thứ hai với 12% (245 ca), theo sau là châu Phi (3%).

WHO khuyến cáo, biện pháp kiểm dịch chính vẫn là giám sát, theo dõi tiếp xúc, cách ly và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời khuyến nghị tiêm vaccine cho những người có nguy cơ bị phơi nhiễm cao như nhân viên y tế thường xuyên làm việc với người bệnh, nhân viên y tế công cộng, nhân viên phòng thí nghiệm. WHO cảnh báo virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tiếp tục lây lan và sẽ có thêm nhiều nước khác báo cáo các trường hợp mắc bệnh này. Ở một số quốc gia, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận mới đây không có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, cho thấy virus đã âm thầm lây lan trong một khoảng thời gian.

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên ngay khi có thông tin về bệnh (từ Tổ chức Y tế thế giới - WHO) ngành y tế đã triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, các biện pháp phòng tránh, triệu chứng lâm sàng của bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ. Các cơ sở khám, chữa bệnh, cần sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã giảm mạnh từ cuối tháng 3/2022 đến nay; Biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, có thể dẫn đến sự gia tăng ca mắc, do vậy cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, coi vaccine là vũ khí chiến lược.

Kể từ đầu dịch đến nay (19/6/2022) Việt Nam có 10.598.791 triệu ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.431 ca nhiễm).

Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, so với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN).

Về tình hình xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.514.229 mẫu tương đương 85.824.177 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 225,65 triệu liều đã được tiêm trên cả nước. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 202,2 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 17,5 triệu; số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 5,91 triệu.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới

Tính đến 6h ngày 20/6 (theo giờ VN), toàn thế giới có 544,3 triệu ca nhiễm, trong đó 519,6 triệu ca khỏi bệnh; hơn 6,3 triệu ca tử vong và 18,4 triệu ca đang điều trị (36 nghìn ca diễn biến nặng).

Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 88 triệu ca mắc và 1,04 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 43,3 triệu ca và 524,9 ca tử vong. Thứ ba là Brazil, với số ca mắc được ghi nhận là 31,7 triệu và số ca tử vong là 669 nghìn.

Châu Âu vẫn chiếm số ca mắc đứng đầu với 200 triệu ca; thứ hai là châu Á với trên 159,9 triệu ca; Bắc Mỹ ghi nhận trên 103,9 triệu ca ; Nam Mỹ là trên 58,8 triệu ca; tiếp đến là châu Phi trên 12,4 triệu ca và châu Đại Dương trên 9,4 triệu ca nhiễm.

Ban Biên tập website Viện