Điểm tin y tế tuần 23

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện (đợt 6)

Ngày 25/5/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện (đợt 6)

Ban hành kèm theo Quyết định này Danh mục các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện làm cơ sở để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Danh mục Đợt 6 (tại Phụ lục kèm theo) bao gồm các dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh được xếp là tương đương giữa các danh mục ban hành kèm theo các Thông tư sau đây:

1) Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (gọi tắt là Thông tư 43).

2) Thông tư số 50/2014/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Y tế quy định phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật (gọi tắt là Thông tư 50).

3) Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 của liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (gọi tắt là Thông tư 37).

2. Chính sách y tế nổi bậc có hiệu lực trong tháng 6/2017

Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 01/06/2017

Thông tư 04/2017/TT-BYT Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 01/06/2017

Thông tư 05/2017/TT-BYT quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 01/06/2017

Thông tư 21/2017/TT-BYT sửa đổi Danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh kèm theo Thông tư 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 25/06/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Việt Nam khởi động tháng tiêm chủng đầu tiên

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 3/6/2017. Buổi lễ mở đầu tháng tiêm chủng lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết, đây là lần thứ 7 Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng của thế giới, nhưng tại Việt Nam chương trình lần đầu tiên đã được nâng cấp thành tháng tiêm chủng, nhằm mở rộng vận động và truyền thông về lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh.

Cũng theo Thứ trưởng, năm nay là năm thứ 12 Việt Nam bảo vệ thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh, và là năm thứ 17 bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, tỷ lệ mắc sởi năm 2016 là thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều vùng lõm có tỷ lệ tiêm chủng thấp ở vùng sâu vùng xa, mỗi năm trên 600.000 trẻ em chưa được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B mũi sơ sinh, nguy cơ nhiễm virus viêm gan B vẫn còn.

Phát biểu bên lề buổi lễ, ông Đặng Đức Anh, giám đốc Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho hay mục tiêu đến 2020, sẽ đưa thêm ít nhất một vắc xin vào tiêm chủng mở rộng, cụ thể là vắc xin ngừa rota virus Việt Nam đã sản xuất được với giá thành chưa đầy 1/2 giá vắc xin ngoại nhập cùng loại. Ngoài ra còn một vắc xin nữa sẽ sớm được xem xét đưa vào chương trình là vắc xin ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. 15 trẻ em Nam Sudan tử vong sau khi tiêm phòng vắc xin sởi

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Nam Sudan ngày 2/6/2017 cho biết 15 trẻ nhỏ ở miền Đông Nam nước này đã tử vong và 32 em khác có triệu chứng sốt, tiêu chảy và nôn mửa sau khi tiêm vắc xin phòng sởi không được bảo quản đúng cách.

Thông báo, cuộc điều tra về các trường hợp tử vong trong chiến dịch tiêm phòng sởi hồi tháng trước ở ngôi làng hẻo lánh Nackodopele, bang Kapotea, cho thấy nguyên nhân là do lỗi của con người. Bộ trưởng Y tế Nam Sudan, Riek Gai Kok cho biết vắc xin này đã không được bảo quản trong tủ lạnh trong khi nhân viên y tế tiêm phòng cho trẻ lại không được đào tạo. Họ chỉ dùng 1 xylanh để tiêm cho nhiều cháu trong 4 ngày của chiến dịch tiêm chủng. Ông Gai Kok cho biết toàn bộ trẻ em tử vong đều dưới 5 tuổi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng các trẻ này tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc nghiêm trọng bởi vắc xin bị hỏng gây ra, đồng thời cho rằng nhóm tiêm phòng đã không tuân thủ các tiêu chuẩn về dịch tễ được WHO thông qua.

2. Mỹ điều chế kháng sinh cực mạnh chống siêu khuẩn

Theo BBC, Để chống lại siêu vi khuẩn enterococci kháng vancomycin (VRE), các nhà khoa học Mỹ cải tiến kháng sinh vancomycin 60 năm tuổi thành thuốc cực mạnh với hiệu quả tăng lên hàng nghìn lần. VRE là mối đe dọa khiến các bác sĩ lo ngại. Nó thường xuất hiện ở bệnh viện, gây nhiễm trùng vết thương và mạch máu. Tổ chức Y tế Thế giới xếp VRE vào danh sách 12 siêu khuẩn kháng thuốc nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Hiện nay, một số kháng sinh vẫn có thể chống lại VRE nhưng vancomycin đã hoàn toàn bị vô hiệu. Nhằm đối phó với tình trạng này, nhóm nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) đã tiến hành cải tiến loại kháng sinh 60 năm tuổi, nhờ thay đổi cấu trúc phân tử, vancomycin phiên bản mới được tăng cường sức mạnh cùng độ bền vững với hiệu quả cao hơn hàng nghìn lần phiên bản cũ. Thuốc tấn công vào thành tế bào rồi tiêu diệt VRE, không cho mầm bệnh chạy thoát. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, tác dụng của vancomycin cải tiến gần như nguyên vẹn tác dụng sau 50 lần tiếp xúc với vi khuẩn.

Giáo sư Nigel Brown từ Hiệp hội Vi sinh vật Mỹ nhận định "Đây là một phát triển vô cùng quan trọng". Viện Nghiên cứu Scripps hy vọng vancomycin phiên bản mới sẽ sẵn sàng sử dụng trong vòng 5 năm tới.

3. Anh phát triển thành công thuốc mới điều trị ung thư cho kết quả khả quan

Theo báo Công an Nhân dân, ngày 03/6/2017, một loại thuốc mới điều trị ung thư buồng trứng có thể tạo ra bước đột phá quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này trong một thập niên qua. Trong quá trình thử nghiệm, ONX-0801 giảm đáng kể khối u cho 7/15 bệnh nhân và các chuyên gia cho biết nó có thể kéo dài sự sống của bệnh nhân hơn 6 tháng. Các bác sĩ miêu tả kết quả là một “sự kỳ diệu” sau khi có nhiều bệnh nhân có phản ứng tốt. Mục đích của thử nghiệm là kiểm chứng độ an toàn, tuy kết quả tốt, các nhà nghiên cứu vẫn muốn tiếp tục đạt đến cấp độ cao hơn càng sớm càng tốt.

Thử nghiệm là một phần chương trình nghiên cứu có quy mô lớn hơn của Viện khoa học Nghiên cứu Ung bướu (ICR) và Qũy Y tế Hoàng gia Marsen ở London, Vương quốc Anh. ONX-0801 đi vào tế bào ung thư bằng cách giả làm axít folic, ung thư buồng trứng có một số lượng lớn thụ thể đối với axít folic. Sau đó, nó tiêu diệt các tế bào bằng cách ngăn chặn hoạt động của một loại protein có tên gọi thymidylate synthase.

Tiến sĩ Udai Banjeri, người chỉ đạo hoạt động nghiên cứu cho biết, cần có nghiên cứu sâu hơn để loại thuốc mới kéo dài hơn nữa sự sống cho bệnh nhân. Annwen Jones, giám đốc điều hành Qũy nghiên cứu thuốc chống ung thư buồng trứng Anh quốc [TOC] cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy kết quả khả quan, mặc dù chỉ cần 1 mẫu nhỏ và đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu”. “Vì hiện chỉ có vài sự lựa chọn điều trị hiệu quả đối với ung thư buồng trứng, nên cách tiếp cận để tạo ra phương pháp điều trị ung thư mới hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn đáng được hoan nghênh”, ông chia sẻ.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,