Điểm tin y tế tuần 22 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

​1.Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá XII, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong 05 bảng lương mới:

  • Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
  • Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
  • Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
  • Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
  • Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
  • Xem chi tiết thiết kế bảng lương mới tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

2. Quyết định số 3151/QĐ-BYT ngày 23/05/2018 về việc phân cấp quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ được giao tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế được giao tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, tuyển dụng viên chức gồm: thành lập, sáp nhập, giải thể các tổ chức thuộc đơn vị ngoài các tổ chức trong cơ cấu tổ chức được phê duyệt trong quy chế tổ chức hoạt động của đơn vụ theo hướng tinh gọn hiệu quả phù hợp chức năng nhiệm vụ của đơn vị và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;

Các đơn vị sự nghiệp được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc theo phân cấp tại quyết định số 5342/QĐ-BYT ngày 28/11/207 của Bộ trưởng Bộ Y tế; được tổ chức tuyển dụng viên chức của đơn vị theo quy định pháp luật.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế được giao tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên có trách nhiệm xây dựng bổ sung sửa đổi quy chế tổ chức và hoạt động thường xuyên.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Kỳ họp 71 Đại Hội đồng Y tế Thế giới : Việt Nam hướng tới chăm sóc sức khỏe

Ngày 21/5 – 26/5/2018 tại Geneva, Thụy Sỹ đã diễn ra kỳ họp lần thứ 71 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA71), Đoàn đại biểu Việt Nam do GS. TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu tham dự.

Chủ đề thảo luận chung tại Kỳ họp 71 Đại Hội đồng Y tế Thế giới năm nay là “ Sức khỏe cho mọi người: cam kết bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân”. Tại Kỳ họp, GS. TS. Lê Quang Cường đã có bài phát biểu tại phiên toàn thể của kỳ họp. Bài phát biểu đã nêu rõ nguyên tắc cốt lõi của bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là không để ai lại phía sau và sức khỏe là quyền của con người. Điều này có nghĩa là cần phải đảm bảo rằng mọi người, mọi nơi đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng mà không gặp phải khó khăn về tài chính. Mỗi quốc gia, căn cứ vào bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa của mình sẽ cần phải xác định phương thức hiệu quả nhất để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam hiện nay đáp ứng được 73% nhu cầu y tế của người dân liên quan đến các dịch vụ y tế thiết yếu, được coi là tương đối cao so với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khoảng 19% hộ gia đình báo cáo chi tiêu nhiều hơn 10% thu nhập của họ cho các dịch vụ y tế - một mức mà WHO coi là khó khăn tài chính không hợp lý. Do đó, Việt Nam đang thiết kế lại các hệ thống cung cấp dịch vụ y tế tại cơ sở để có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc lồng ghép, cùng với việc phân bổ tài chính hợp lý để giảm thiểu tỷ lệ này.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh cam kết chính trị của các quốc gia là một yếu tố thiết yếu góp phần vào việc thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tháng 10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là mục tiêu tổng thể trong Nghị quyết chính trị quan trọng nhất này.

2. Phát triển nhân lực trẻ của ngành y tế, ứng dụng công nghệ 4.0

Phát biểu tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học, Cao đẳng Y - Dược Việt Nam lần thứ XIX (17 - 19/5/2018). Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnhcông nghệ 4.0 sắp tới sẽ được nghiên cứu và ứng dụng trong ngành y tế như bệnh viện thông minh, y tế từ xa (telemedicine), nâng cao chất lượng chăm sóc y tế như quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử… Một trong những thế mạnh của Việt Nam khi 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh, hơn 55% dân số nối mạng internet và là nước đứng thứ năm ở châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học, Cao đẳng Y - Dược Việt Nam lần thứ XIX với sự chủ trì của Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã được tổ chức tại ĐH Y Dược TP.HCM vào hai ngày 17 - 19/5/2018. Hội nghị này có 27 đơn vị tham gia, với 26 đơn vị có báo cáo viên. Hội nghị đã ghi nhận các đóng góp, nỗ lực nghiên cứu khoa học của các báo cáo viên, các bác sĩ trẻ và thầy hướng dẫn. Bên cạnh đó, mặc dù rất nhiều trường cao đẳng tham gia nhưng chỉ có một trường cao đẳng có giải thưởng.

Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học, Cao đẳng Y - Dược Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực y tế giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu đồng thời trình bày các công trình nghiên cứu của mình, góp phần phát huy sáng tạo, nâng cao năng lực của cán bộ, sinh viên ngành y trên cả nước.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. Có cần tiêm vắc xin ngừa bệnh dại không.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa phát triển một xét nghiệm bệnh dại mới mang tính đột phá, cho phép xác định con vật cắn người có mắc bệnh không, và người tiếp xúc có cần tiêm thuốc ngừa hay không: xét nghiệm LN34. Nghiên cứu được công bố trên PLOS One, tờ báo của Thư viện Khoa học Công cộng (PLOS) ngày thứ Tư 16/5/2018 vừa qua.

Xét nghiệm LN34 sử dụng kỹ thuật phân tử PCR (Polymerase Chain Reaction), như các xét nghiệm về bệnh cúm, lao, HIV…. Đây là kỹ thuật trùng phân then chốt trong di truyền học phân tử cho phép nhân lên và phân tích một đoạn ngắn axit nhân AND hay ARN. Trước đây, việc khuếch đại này được thực hiện nhờ những vi khuẩn và phải mất hàng tuần, nhưng với kỹ thuật PCR thực hiện trong ống nghiệm chỉ mất một vài giờ.

LN34 có thể tiến hành dễ dàng trên mẫu xét nghiệm là mô tươi, đông lạnh, phân hủy hoặc đã được cố định trong các khối parafin để khử hoạt tính virus, sử dụng trang thiết bị của các labo xét nghiệm thông dụng và cho kết quả ngay. Do đó, xét nghiệm LN 34 mới này có thể giúp nhanh chóng xác đình con vật đã cắn ai đó dại hay không để quyết định tiêm ngừa.

Xét nghiệm LN34 mới này đơn giản và dễ sử dụng hơn các xét nghiệm hiện tại. Trong nghiên cứu thí điểm (pilot), xét nghiệm LN34 không cho âm tính giả, ít dương tính giả và rất ít không rõ ràng. Xét nghiệm dại LN34 có độ nhạy là 99,90% và độ đặc hiệu 99,68% thật sự là xét nghiệm “trên cả tuyệt vời” trong y học.

Ban Biên tập website Viện