Điểm tin y tế tuần 22

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bùng phát ổ dịch tiêu chảy khiến 56 người mắc tại Lai Châu

Theo báo Hà Nội mới, ngày 25/5/2017, báo cáo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu tháng 3/2017 tới nay đã xảy ra ổ dịch tiêu chảy do trực khuẩn lỵ tại 4 bản thuộc xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ với 56 trường hợp mắc, trong đó 2 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đều có kết quả dương tính với trực khuẩn lỵ. Bệnh lây truyền mạnh do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn lạc hậu, sử dụng nước uống chưa được nấu chín, không có thói quen rửa tay với xà phòng, thiếu nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Sở Y tế Lai Châu giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh. Mặt khác, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng thuốc, vật tư, hoá chất, tổ chức tốt việc chẩn đoán sớm, thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân, đồng thời củng cố đội chống dịch cơ động, cấp cứu lưu động để điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch, hỗ trợ y tế tuyến dưới… Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. WHO có tổng giám đốc mới là ông Tedros Adhanom

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ngày 24/5/2017, đưa tin ông Adhanom trở thành người châu Phi đầu tiên lãnh đạo WHO sau ba vòng bỏ phiếu ngày 23/5/2017 của 194 thành viên WHO. "Đây là một ngày thắng lợi cho Ethiopia và châu Phi" - đại sứ Ethiopia tại Liên Hiệp Quốc Geneva Negash Kebret Botora nói.

Ông Adhanom, 52 tuổi và là một chuyên gia về bệnh sốt rét, là một trong ba ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào chiếc ghế này. Cả ba đều đưa ra các cam kết cải cách toàn bộ nhằm gia tăng uy tín của WHO.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Mỗi ứng cử viên sẽ có bài phát biểu tại đại hội thường niên của WHO tại đây trước khi các phái đoàn đại diện các nước tiến hành bỏ phiếu kín. Đây là lần đầu tiên có nhiều ứng cử viên chạy đua vị trí lãnh đạo WHO, một trong những cơ quan có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Liên hiệp quốc, chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực đối phó với các vấn đề y tế khẩn cấp cũng như tăng cường ý thức cảnh giác của các quốc gia về các thách thức y tế, từ ô nhiễm đến béo phì... trên phạm vi toàn cầu. Trước đây, ban lãnh đạo WHO thường giới thiệu 1 ứng viên duy nhất để các nước thành viên phê chuẩn. Người thứ hai là bác sĩ và nhà ngoại giao người Anh rất được kính trọng David Nabarro, 67 tuổi, người đã dành 2 thập kỷ làm việc cho WHO. Ứng cử viên nữ duy nhất là cựu Bộ trưởng Y tế Pakistan Sania Nishtar, 53 tuổi, với thông điệp "lấy lại uy tín" cho WHO.

Bà Chan, một nhà vật lý học người Hong Kong (Trung Quốc), sẽ kết thúc nhiệm sở ngày 30/6/2017, sau một thập kỷ lãnh đạo WHO ứng phó với một loạt dịch bệnh mới trên thế giới như cúm gia cầm, Ebola và thực thi các chương trình của các thập kỷ trước đó nhằm chống lại bệnh sốt rét, AIDS và suy dinh dưỡng.

2. New York cảnh báo về vi rút Zika trong mùa du lịch

Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ngày 25/5/2017, Thành phố New York (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa của Zika, loại vi rút được truyền qua muỗi liên quan tới một số bệnh có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Chính quyền thành phố phát động chiến dịch kêu gọi phụ nữ mang thai, các bậc phụ huynh và người dân tránh đi du lịch tới những quốc gia bị ảnh hưởng của dịch Zika. Trong trường hợp tới những nước này, người dân được khuyến cáo thận trọng, đặc biệt trong vài tháng sau khi trở về để tránh lây lan vi rút.

Tính từ tháng 1/2016, có tổng cộng 1.067 người dân New York được xét nghiệm dương tính đối với vi rút Zika, trong đó có 402 phụ nữ mang thai và 32 trẻ sơ sinh. Theo các chuyên gia, thai nhi bị nhiễm vi rút Zika có thể mang nhiều dị tật bẩm sinh như đầu nhỏ, một số chứng bệnh phức tạp như co giật hoặc bệnh thần kinh. Tính từ đầu năm đến ngày 19/5, có 74 người dân New York được chẩn đoán nhiễm virus Zika. Trong cùng kỳ năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh thông báo có 119 ca nhiễm vi rút Zika trên toàn nước Mỹ.

Nhìn chung, số người nhiễm vi rút Zika tại thành phố New York đã giảm so với năm ngoái, song nếu Zika bùng nổ tại Cộng hòa Dominicana, số người nhiễm vi rút này tại thành phố New York sẽ gia tăng. Hầu hết các ca nhiễm Zika tại New York có liên quan đến du lịch, chủ yếu tới Cộng hòa Dominicana. Không có ca lan truyền tại chỗ. Từ một loại vi rút không ai biết đến, Zika đã lây lan trên toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Những triệu chứng của vi rút này bao gồm sốt cao, đau đầu, mỏi cơ bắp cùng nhiều triệu chứng khác. Hiện chưa có thuốc điều trị hay vắc xin phòng tránh Zika.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,