VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Tăng hàng loạt công tác phí cho cán bộ, công chức
Ngày 28/4/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2017/TT-BTC về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Theo đó, tăng hàng loạt mức chi công tác phí, cụ thể như sau:
- Phụ cấp lưu trú:
+ Mức phụ cấp lưu trú cho người đi công tác: 200.000 đồng/ngày (tăng 50.000 đồng/ngày).
+ Trường hợp được cử đi công tác từ đất liền làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (tăng 50.000 đồng so với quy định hiện hành).
- Tăng 100.000 đồng/ngày/người đối với tiền thuê phòng nghỉ theo hình thức khoán:
+ Lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người.
+ Đối với các đối tượng còn lại:
Đi công tác ở quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh, mức khoán: 450.000 đồng/ngày/người.
Tại huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh, mức khoán: 350.000 đồng/ngày/người.
Tại các vùng còn lại, mức khoán: 300.000 đồng/ngày/người.
Thông tư 40/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
2. Giá thuốc niêm yết là giá đã bao gồm VAT
Theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP thì các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá thuốc và không được bán cao hơn giá niêm yết. Cụ thể:
- Giá niêm yết là giá đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có).
- Đồng tiền niêm yết là đồng Việt Nam.
- Cơ sở bán buôn niêm yết giá bằng hình thức thông báo công khai trên bảng, giấy hoặc các hình thức khác phù hợp và thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước.
- Ngoài hình thức niêm yết như cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ còn có thể niêm yết bằng hình thức in, ghi hoặc dán trên bao bì thuốc nhưng không che khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc.
Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2017.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Tổ chức y tế thế giới (WHO) hỗ trợ Cần Thơ xây dựng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm
Theo báo Đại đoàn kết, chiều 18/5/2017, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn thần kinh,... là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam (cứ 10 người chết thì có đến 7 người do BKLN gây ra). Gánh nặng của BKLN chiếm 66% gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, là nguyên nhân quan trọng gây quá tải các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời làm gia tăng tỉ lệ nghèo hóa gần 5% hộ gia đình. Trong khi đó, tỉ lệ người bệnh được phát hiện, quản lí điều trị còn rất thấp. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, nhưng chỉ phát hiện, điều trị được khoảng 43%, có hơn 3 triệu người bệnh đái tháo đường nhưng có đến gần 70% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh,...
Trước thực trạng trên, WHO đã hợp tác với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình quản lí BKLN tại các trạm y tế xã. Bước đầu mô hình này được thí điểm ở 3 tỉnh, thành: Hà Nam, Quảng Nam và Cần Thơ. Tại TP Cần Thơ, trong năm 2017 mô hình quản lí BKLN sẽ được triển khai tại 2 quận, huyện (Bình Thủy và Cờ Đỏ), tại mỗi quận, huyện sẽ chọn ra 2 xã, phường để triển khai mô hình. Dự kiến đến năm 2018 sẽ có thêm 6 xã, phường trên địa bàn thành phố sẽ được nhân rộng mô hình.
2. Trạm y tế xã hội hóa đầu tiên bắt đầu hoạt động
Theo báo Sài gòn giải phòng, chiều 19/5/2017, UBND quận 3, TPHCM phối hợp với Công ty Cổ phần y tế Việt Anh khánh thành Phòng khám Đa khoa tại Trạm y tế phường 11, quận 3. Đây là dự án được triển khai dựa trên quyết định của Bộ Y tế về kế hoạch mở rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và quyết định của UBND TPHCM về quy hoạch phát triển ngành y tế TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Theo đó, quận 3 là địa bàn tiên phong thực hiện mô hình thí điểm Trạm y tế thuộc dự án Xã hội trạm y tế phường, xã nhằm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người dân của quận nói riêng và người dân TP nói chung ngày một tốt hơn. Trạm y tế phường 11, quận 3 là sự nâng cấp và kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương với mô hình Phòng khám Đa khoa hiện đại, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn cùng đội ngũ y, bác sĩ được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các bệnh viện lớn cấp TP cũng như Trung ương với tổng số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Nghiên cứu dùng vi rút Zika trị tế bào u não
Theo hãng tin Reuters, nhóm nghiên cứu kỳ vọng cách tiếp cận này sẽ giúp mở ra những giải pháp mới trong việc điều trị một trong những chứng bệnh ung thư khó chữa nhất và có tỉ lệ tử vong sớm rất cao.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tập trung vào dạng thức ung thư não phổ biến nhất là chứng ung thư glioblastoma (u nguyên bào thần kinh đệm). Tỉ lệ sống sót được sau 5 năm mắc chứng ung thư não này chưa tới 5%.
Theo các thông tin nghiên cứu của giới khoa học cho tới nay vi rút zika gây khuyết tật ở não cho trẻ ở giai đoạn bào thai khi tấn công vào những tế bào gốc đang phát triển trong não thai nhi và gây ra chứng bệnh đầu nhỏ. Tuy nhiên ở người trưởng thành, do bộ não đã phát triển trọn vẹn nên vi rút Zika chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ không khác gì khi họ bị nhiễm một vi rút cúm thông thường nào đó. Với trường hợp người trưởng thành bị mắc chứng ung thư glioblastoma, các tế bào ung thư não cũng có đặc điểm tương tự như các tế bào não trong giai đoạn phát triển ở thai nhi. Từ đó nhóm các nhà khoa học Anh nêu giả thuyết có thể sử dụng vi rút Zika để tấn công tế bào ung thư não.
Đây là công trình nghiên cứu của nhóm chuyên gia do nhà khoa học Harry Bulstrode của Đại học Cambridge làm chủ nhiệm. Họ sẽ dùng các tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và trong cơ thể chuột để đánh giá khả năng tiêu diệt của vi rút Zika.
2. Hơn 1/2 ca tử vong không được ghi nhận nguyên nhân
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong báo cáo ngày 17/5/2017 cho biết hơn 1/2 số ca tử vong trên toàn cầu không được ghi nhận nguyên nhân, khiến cho việc giám sát và hoạch định chính sách y tế gặp nhiều khó khăn. Theo đó, năm 2015, trong số 56 triệu ca tử vong trên toàn cầu, chỉ có 27 triệu ca được ghi nhận nguyên nhân. TS Marie-Paule Kieny - trợ lý tổng giám đốc WHO nói "Nếu các quốc gia không biết điều gì khiến người dân bị bệnh và qua đời, rất khó biết phải làm gì với nó", Bà cũng cho biết WHO đang làm việc với các nước để tăng cường hệ thống thông tin y tế và nâng cao chất lượng dữ liệu sức khỏe. Hiện một số nước, trong đó có Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đã có những bước tiến quan trọng trong việc thu thập dữ liệu sức khỏe. Tại Iran, 90% số ca tử vong đã được ghi nhận chi tiết về nguyên nhân, trong khi vào năm 1999, con số này chỉ ở mức 5%.
3. Các nhà khoa học bất ngờ công bố sữa mẹ có thể chữa ung thư
Theo Independent, Nghiên cứu của các nhà khoa học Thuỵ Điển cho thấy, hợp chất Hamlet trong sữa mẹ có thể ứng dụng để chữa ung thư. Các nhà khoa học đã tìm ra hợp chất Hamlet trong quá trình nghiên cứu kháng sinh từ sữa mẹ rồi tiến hành thử nghiệm lên bệnh nhân ung thư bàng quang. Kết quả thu được vô cùng hứa hẹn khi những người được tiêm hỗn hợp sữa mẹ nhanh chóng thải tế bào ung thư chết qua đường nước tiểu chỉ sau vài ngày. Giáo sư miễn dịch học Catharina Svanborg thuộc đại học Lund (Thụy Điển) giải thích, hợp chất Hamlet có khả năng nhận dạng và tiêu diệt tế bào ung thư. Bên cạnh đó, GS. Svanborg cho biết, sữa mẹ còn chứa protein alpha-lactalbumin. Khi vào dạ dày, loại protein này trở thành chất chống ung thư bảo vệ tế bào khỏe mạnh. Như vậy, sữa mẹ cho phép thay thế các biện pháp như xạ trị và hóa trị vốn làm tổn thương cả tế bào khỏe mạnh. Sau khi thử nghiệm với bệnh nhân ung thư bàng quang, các nhà khoa học gợi ý, sữa mẹ có thể hỗ trợ bệnh nhân ung thư ruột và ung thư cổ tử cung. Các thử nghiệm khác sẽ được tiến hành trong thời gian tới.
Trước đó, tạp chí Nhi khoa Ireland đã công bố kết quả nghiên cứu ngoài công dụng tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa nhiều bệnh tật cho cả mẹ và bé, việc nuôi con bằng sữa mẹ còn tác động tốt đến sự phát triển và hành vi của trẻ về lâu dài. Các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của 7.500 trẻ em từ 9 tháng đến 5 tuổi. Kết quả cho thấy, trẻ bú sữa mẹ kéo dài hơn 6 tháng sẽ ít hiếu động hơn và có kỹ năng "mềm" tốt hơn so với trẻ không được bú mẹ nhiều. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể phòng ngừa hơn 80.000 trường hợp trẻ em và 20.000 trường hợp người mẹ tử vong do bệnh ung thư vú mỗi năm.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)