Điểm tin y tế tuần 19

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bổ sung 6 đối tượng tham gia BHYT mới

Ngày 14/4/2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 595/QĐ-BHXH về việc ban hành Quy trình mới về thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ sung 6 đối tượng tham gia BHYT mới:

+ Thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên CAND đang học tập tại các trường trong và ngoài CAND hưởng sinh hoạt phí từ NSNN; thân nhân của người làm công tác cơ yếu (không bao gồm đối tượng do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế), ngành, địa phương;

+ Sinh viên là người nước ngoài đang học tập tại trường CAND được cấp học bổng từ NSNN; học sinh trường văn hóa CAND;

+ Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg;

+ Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở;

+ Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ (trừ Bộ Quốc phòng), ngành, địa phương;

+ Đối tượng do người lao động, Công an đơn vị, địa phương đóng bảo hiểm y tế.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cảnh giác loại sốt khiến cơ thể nổi hạch, tử vong

Theo báo Vietnamnet, ngày 03/5/2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Bùi Văn S., 57 tuổi, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang trong tình trạng sốt cao 39,50 từng cơn. Vùng nách bệnh nhân có vết loét đỏ. Sau thăm khám, BS Nguyễn Văn Hùng, khoa Khám bệnh chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh sốt mò, được chuyển lên khoa Truyền nhiễm để điều trị.

Sốt mò do véc tơ là con mò đốt người truyền vi khuẩn Oriental tsutsugamushi gây ra. Mò thường đốt bệnh nhân ở những chỗ kín, khó phát hiện như nách, ngực, bẹn, kẽ hậu môn... Sau thời gian ủ bệnh, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu, các tế bào nội mạc ở mạch máu và tăng sinh, gây viêm, xung huyết tại vết đốt và phát ban, sưng hạch kèm theo đau đầu và sốt cao kéo dài, có thể lên tới 40-41 độ. Diễn tiến của bệnh thay đổi từ những thể nhẹ đến nặng, gây tổn thương nhiều cơ quan. Trường hợp nặng giai đoạn sớm sẽ gây suy tuần hoàn ngoại biên (thường xuất hiện trong tuần đầu), giai đoạn muộn có tổn thương tăng sinh và thuyên tắc xuất hiện trong các mao mạch nhỏ, hôn mê, rối loạn chức năng gan... và có thể gây tử vong.

Tại miền Bắc, bệnh chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh miền núi, nơi có nhiều bụi cây, rừng rậm. Đối tượng dễ bị mò đốt là những người làm ruộng, làm rẫy, khai hoang...Sốt mò thường xảy ra vào mùa mưa và nóng, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10. Bệnh sốt này dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như thương hàn, sốt rét, leptospira, dịch hạch, nhiễm khuẩn máu, sốt xuất huyết…

Khi bị sốt, nổi hạch, có các nốt lạ trên cơ thể, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

2. 03 bệnh nguy hiểm dễ mắc vào mùa hè

Theo báo Vnexpress, ngày 4/5/2017, Thống kê của Bộ Y tế cho thấy bệnh Sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não mô cầu là 3 bệnh phổ biến vào mùa hè. Trong tháng 4 cả nước ghi nhận:

+ Bệnh Sốt xuất huyết, gần 6.900 ca, 2 người tử vong. Trong khi đó trung bình 3 tháng đầu năm chỉ có khoảng 4.000 bệnh nhân. 21.000 bệnh nhân sốt xuất huyết được ghi nhận từ đầu năm đến nay, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái song số tử vong tăng 1 (8 người). Số bệnh nhân tập trung ở các tỉnh thành phía nam. Bệnh có nhiều tuýp, vì thế một người đã mắc bệnh vẫn có thể tái phát, thậm chí nặng hơn. Nhiều bệnh nhân tử vong vì chủ quan đến bệnh viện muộn.

+ Bệnh tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 với hơn 4.500 ca, trong khi 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.

+ Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý đến bệnh viêm màng não do não mô cầu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 11 ca được ghi nhận, 2 người tử vong. Số bệnh nhân không nhiều song viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Đặc biệt bệnh lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. Bệnh nhân có thể tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

3. Mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư

Theo báo Thanh tra, đây là thông tin được chia sẻ tại buổi Tọa đàm Việt Nam - Đan Mạch về chủ đề bệnh không lây nhiễm do Trường Đại học Y tế Công Cộng và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức ngày 5/5/2017, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn chuyển đổi giữa dân số và dịch tễ học, với sự gia tăng tuổi thọ và tỷ lệ hiện mắc của bệnh không lây nhiễm (NCDs). Các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Những bệnh này chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và 73% các trường hợp tử vong hằng năm. Ước tính nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mặc bệnh tim phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Chỉ trong 3 thập kỷ từ khi đổi mới 1986 đến nay, mô hình bệnh tật của Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Vào những năm 1990, 2/3 số ca nhập viện là do bệnh lây nhiễm. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng các bệnh này có thể phòng chống hiệu quả bằng cách phòng tránh các hành vi ngiu cơ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ăn ít rau/trái cây và thiếu vận động thể lực. Các hành vi nguy cơ này sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, mỡ máu và các bệnh không lây nhiễm khác.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Túi nước ối nhân tạo - niềm hy vọng cho trẻ sinh non

Theo TASS, các chuyên gia ở Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ đã sáng chế thành công một túi chứa nước ối nhân tạo làm tăng cơ hội sống sót cho trẻ sinh non.

Thiết bị được thiết kế có hình dạng một chiếc túi nhựa, chứa chất lỏng tương tự nước ối, tạo môi trường an toàn cho trẻ sinh non, giúp chúng vượt qua ngưỡng 28 tuần. Khi đó cơ hội sống của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể. Sáng chế này đã được kiểm tra và thử nghiệm thành công trên loài cừu. Trong thí nghiệm, 6 con cừu sinh non tương đương trẻ sinh non 23-24 tuần tuổi được nuôi trong túi nước ối nhân tạo trong thời gian một tháng. Chiếc túi này hoạt động như tử cung của cừu mẹ, theo đó, dây rốn của cừu được nối với một thiết bị trao đổi bên ngoài chiếc túi bảo đảm cừu non được bổ sung oxy và các chất dinh dưỡng. Bên trong tử cung nhân tạo này chứa các chất dinh dưỡng và các chất hóa học giống túi ối để kích thích sự phát triển của cừu non. Một tháng trong túi nước ối nhân tạo, con vật có thể hít thở, nuốt, mở mắt, mọc lông, phát triển hệ thần kinh và cơ quan nội tạng hoàn thiện.

Theo thống kê, trẻ sinh non ở tuần tuổi thứ 23 có khả năng sống sót không cao. 90% trường hợp sinh non còn có khả năng mắc bệnh phổi mãn tính hoặc nhiều hệ quả khác do chào đời khi các cơ quan nội tạng chưa phát triển hoàn thiện. Túi nước ối nhân tạo được sáng chế nhằm ngăn chặn nguy cơ này, giúp tăng khả năng phát triển khỏe mạnh cho trẻ sinh thiếu tháng.

Ban Biên tập website Viện