VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương. Đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ngày 5/5/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có Công điện số 600/CĐ-BCĐ về việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch COVID-9. Cụ thể:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 597/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19.
2. Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch COVID-9 như sau:
- Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định từ ít nhất 14 ngày lên ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2 và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 14 và ngày thứ 20 trong thời gian cách ly tập trung.
- Điều chỉnh thời gian tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú từ 14 ngày xuống còn 07 ngày sau khi kết thúc cách ly tập trung và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung).
Chi tiết Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 5/5/2021.
2. Tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Trước tình hình nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến Trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2... Bộ Y tế đã có Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện và phòng khám an toàn. Kiên quyết đóng cửa, tạm dừng hoạt động cũng cơ sở không đạt tiêu chuẩn; xem xét xử lý kỷ luật các cơ sở không chấp hành quy định. Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo toàn bộ nhân viên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng hộ cá nhân, không đến các địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm như ăn tiệc buffet, đến công viên giải trí, đến rạp chiếu phim, đến quán bar, karaoke...
Chi tiếtCông văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam
Tính đến hết ngày 9/5, Việt Nam có tổng cộng 3.332 ca mắc COVID-19, trong đó 2.602 người đã khỏi bệnh, 35 ca tử vong. 9/5 là ngày ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất (92 ca) tính từ khi dịch khởi phát vào năm 2020 đến nay (Đợt dịch liên quan Hải Dương, Quảng Ninh hồi tháng 1-2 vừa qua, ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất là 84 ca, vào ngày 28/1).
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 333, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, Hà Nội 111 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 61 ca, 12 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 58, Đà Nẵng 35, Vĩnh Phúc 33, Bắc Giang 32, Hà Nam 16, Hưng Yên 13, Thái Bình 6, Hải Dương 4, Lạng Sơn 3, Quảng Nam 3, Huế 3, Nam Định 2, Hòa Bình 2, TP HCM, Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Hải Phòng, Đăk Lăk, Quảng Trị mỗi nơi một ca.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 51.554, trong đó: Cách ly tập trung tại Bệnh viện: 876, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.464, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 26.214.
Tổng số người được tiêm vaccine COVID-19 là 832.635 người tại 57 tỉnh, thành phố. Trong số những người được tiêm, đến nay ghi nhận có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Một vài trường hợp có phản ứng nặng hơn nhưng đã được xử lý ổn định. Tại An Giang, một nhân viên y tế tử vong sau tiêm do sốc phản vệ trên cơ địa dị ứng. Đây là ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam sau tiêm vaccine COVID-19.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến hết ngày 9/5, thế giới ghi nhận hơn 158 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 135,9 triệu ca đã bình phục và hơn 3,2 triệu ca tử vong. Số ca mới mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong tuần thứ 9 liên tiếp, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch, số ca mắc được ghi nhận là 33,4 triệu ca và hơn 595 nghìn ca tử vong. Thứ hai là Ấn Độ, với 22,3 triệu ca mắc và 242,9 nghìn ca tử vong. Tình hình dịch COVID-19 tại tâm dịch Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nước này tiếp tục ghi nhận trên 4.000 ca tử vong chỉ trong một ngày (ngày 8/5).
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc lớn nhất với 1,7 triệu ca và hơn 47 nghìn ca tử vong. Tiếp đến là Philippines, số ca mắc là hơn 1,19 triệu và số ca tử vong là 18,4 nghìn. Các quốc gia như Lào, Thái Lan, Campuchia tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng giảm nhiệt, nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)